Đau mắt đỏ rất dễ lây lan, do đó mà số ca đau mắt đỏ ngày càng gia tăng, tốc độ lây lan nhanh, bùng phát mạnh. Nhiều tỉnh thành trên cả nước ghi nhận số ca bệnh lớn với nguy cơ bùng dịch. Vậy bạn có biết bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có cách phòng tránh tốt nhất.

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Bệnh đau mắt đỏ còn được gọi là viêm kết mạc, có tên tiếng Anh là acute conjunctivitis hay pink eye. Bệnh này xảy ra khi kết mạc (phần trắng của nhãn cầu và mí mắt bên trong) bị kích thích do nhiễm trùng hoặc dị ứng chuyển sang màu hồng hoặc đỏ. Viêm kết mạc rất dễ lây lan và có thể do nhiều loại vi rút và vi khuẩn khác nhau gây ra.

tròng trắng chuyển hồng hoặc đỏ
Bệnh đau mắt đỏ khiến tròng trắng chuyển hồng hoặc đỏ

Đau mắt đỏ rất dễ lây lan và có thể do nhiều loại virus, vi khuẩn khác nhau gây ra. Nó cũng có thể do mắt bị dị ứng với phấn hoa, hóa mỹ phẩm,…

Người bị bệnh đau mắt đỏ ban đầu sẽ có cảm giác nóng rát ở mắt, cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt bị sưng nề và chảy nước mắt. Những triệu chứng sớm như mắt đỏ và có ghèn. Thông thường, thì người bệnh sẽ bị đau 1 mắt, rồi sau đó sẽ lây sang mắt còn lại.

Với những người bị nhẹ thì chỉ bị đỏ mắt, ngứa, chảy nước mắt. Tuy nhiên nếu trở nặng thì có thể bị phù mắt, trong mắt có màng.

Bệnh đau mắt đỏ không gây nguy hiểm, hiếm khi ảnh hưởng tới thị lực. Nhưng việc điều trị sai cách có thể dẫn tới biến chứng. Do đó, cần điều trị cũng như phòng ngừa đúng cách để tình trạng bệnh mau khỏi.

Người bệnh bị một bên mắt trước và sau đó lây sang cả hai
Thường sẽ bị một bên mắt trước và sau đó lây sang cả hai

Bệnh đau mắt đỏ có lây không?

Số ca mắc bệnh đau mắt đỏ ngày càng nhiều khiến không ít người thắc mắc liệu bệnh đau mắt đỏ có lây không? Câu trả lời là có. Hiện đau mắt đỏ có 2 tác nhân lây nhiễm và 1 tác nhân không lây nhiễm.

  • Tác nhân lây nhiễm:
  • Virus: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng đau mắt đỏ. Các loại virus Corona (cảm lạnh thông thường hay COVID-19) là một trong những loại virus làm đau mắt đỏ.
  • Vi khuẩn: những loại vi khuẩn phổ biến gây đau mắt đỏ như: Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae,  Haemophilusenzae và Pseudomonas aeruginosa.
  • Tác nhân không lây nhiễm: tình trạng đau mắt đỏ do dị ứng với những tác nhân bên ngoài như phấn hoa, khói bụi, hóa chất,…

Bệnh đau mắt đỏ trên cả nước hiện nay diễn tiến vô cùng phức tạp. Nhiều tỉnh thành số ca bệnh không ngừng gia tăng với nguy cơ bùng dịch.

Tại Bệnh viện Mắt tại Đà Nẵng rất đông người đến khám đau mắt đỏ
Bệnh viện Mắt tại Đà Nẵng đông người đến khám đau mắt đỏ

Tại Hà Nội, số ca mắc trong tháng 9/2023 tiếp tục tăng nhanh. Tại Bệnh viện Mắt TW những tuần gần đây ghi nhận trung bình có khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần.

Tại TPHCM, theo thống kê từ sở Y tế TP, trong 8 tháng đầu năm, các bệnh viện trên địa bàn ghi nhận có đến 63.309 ca bệnh đau mắt đỏ.

Tại Đà Nẵng, chỉ tính riêng Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ ngày 1/1 – 11/9/2023, đã có tới 22.444 trường hợp thăm khám đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ có lây qua nhìn không?

Một số lời đồn thổi cho rằng nhìn vào mắt người đau mắt đỏ sẽ bị lây. Đặc biệt, nội tại lây lan nhanh của đau mắt đỏ khiến không ít người hoài nghi đau mắt đỏ có lây qua nhìn không?

Thực tế, việc nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ hoàn toàn không làm lây bệnh. Trên thực tế, bệnh này lây lan thông qua hơi thở, nước bọt hoặc là khi tay người khỏe mạnh dính virus của người bệnh rồi vô tình chạm lên mắt.

Tìm hiểu Đau mắt đỏ có lây qua nhìn không?
Đau mắt đỏ có lây qua nhìn không?

Ngoài ra, virus gây đau mắt đỏ còn có thể sống trên những mặt phẳng, ngoài môi trường tới 2 ngày. Cho nên, khi tay chạm vào những nơi có virus, sử dụng chung khăn mặt với người bệnh… thì khả năng lây nhiễm sẽ rất cao.

Đau mắt đỏ thường xuất hiện nhiều vào mùa hạ đến cuối mùa thu. Đây là lúc thời tiết chuyển từ nắng nóng sang mưa, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi để virus lây lan nhanh, dễ bùng thành dịch.

Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?

Đã biết đau mắt đỏ không lây qua đường nhìn vậy bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu đau mắt đỏ lây qua đường gì để có cách phòng tránh hợp lý nhé.

Thực tế, các loại vi khuẩn, virus gây bệnh viêm kết mạc thường dễ lây lan thông qua chất tiết, đường hô hấp. Do đó bệnh đau mắt đỏ lây sang người xung quanh thông qua đường tiếp xúc và đường hô hấp, ví dụ như:

Tiếp xúc với người nhiễm

Vậy Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?

Khi bạn tiếp xúc trực tiếp với dịch mắt, nước mắt,… của người đang mắc bệnh đau mắt đỏ hay vô tình chạm vào tay người bệnh khiến cho virus có cơ hội lây sang người khỏe mạnh.

Tiếp xúc với không khí do ho và hắt hơi

Khi tiếp xúc gần với người bệnh, họ vô tình hắt hơi hoặc ho, nước bọt bắn ra mang mầm bệnh sẽ lây sang người khỏe mạnh, khiến cho virus chuyển từ vật chủ sang cá thể mới.

Dùng chung đồ vật với những người đang nhiễm bệnh

Tiếp xúc gián tiếp thông qua việc cầm, chạm vào những vật dụng người bệnh đã chạm qua như: nút bấm cầu thang, tay nắm cửa, đồ chơi,…. bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh bạn cũng có nguy cơ bị viêm kết mạc.

Ngoài ra, việc dùng chung những vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, chăn gối, cốc uống nước,… cũng khiến lây truyền virus dễ dàng.

Thường virus sẽ ở bàn tay
Tay có chứa virus, vi khuẩn khi dụi lên mắt sẽ khiến mắt bị đau mắt đỏ

Cách hạn chế đau mắt đỏ lây lan

Trước tình trạng đau mắt đỏ đang lây lan rất nhanh, để bảo vệ cho chính bản thân cũng như mọi người xung quanh thì chúng ta nên lưu ý một số điểm như sau:

Đối với người chưa bị đau mắt đỏ

Để tránh bị lây nhiễm đau mắt đỏ thì bạn nên lưu ý một số điểm như sau:

  • Bạn cần tránh đưa tay bẩn lên mắt và nên đeo kính râm khi ra đường.
  • Sau một ngày làm việc có tiếp xúc bụi mắt thì nên rửa mặt sạch sau đó tra một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9% vào mắt.
  • Hãy rửa mặt bằng nước sạch và khăn sạch.
  • Thường xuyên dùng xà phòng để giặt khăn mặt và phơi dưới nắng.
  • Không dùng chung đồ dùng với người bị nhiễm bệnh. Ví dụ: không dùng chung gối, khăn lau, khăn tắm, thuốc nhỏ mắt, đồ trang điểm mắt hoặc mặt, cọ trang điểm, kính áp tròng, hộp đựng kính áp tròng hoặc kính mắt.
  • Rửa tay sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc các vật dụng mà người đó sử dụng.
Rửa sạch tay khi tiếp xúc với người bị bệnh
Rửa sạch tay khi tiếp xúc với người bệnh

Đối với người bị đau mắt đỏ

Khi không may bị đau mắt đỏ, để mắt nhanh khỏi cũng như tránh lây lan cho người khác thì bạn cần:

  • Có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt, sử dụng vật dụng cá nhân, hạn chế giao tiếp để tránh lây cho người khác.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây. Rửa thật kỹ trước và sau khi vệ sinh hoặc bôi thuốc lên mắt bị nhiễm trùng.
  • Không đi học, đi làm khi đang bị đau mắt đỏ để tránh bệnh lây lan.
  • Trong gia đình có người đau mắt đỏ, cần cách ly ở một phòng, dùng đồ dùng riêng để hạn chế lây lan cho các thành viên trong gia đình.
  • Đeo khẩu trang khi có những triệu chứng ho, hắt hơi.
Người bị bệnh cần phải đeo kính râm
Đeo kính râm để hạn chế dụi tay lên mắt
  • Đeo kính râm để giúp mắt hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng vừa giúp người bệnh hạn chế dụi mắt, từ đó giảm thiểu khả năng lây bệnh.
  • Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn bề mặt.
  • Không đi đến nơi đông người. Vì vô tình có thể lây lan bệnh cho người khác.
  • Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi và miệng. Nếu mắt có nhiều ghèn gỉ hay chảy nhiều nước mắt thì dùng khăn giấy để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy. Sát khuẩn tay sau khi dụi mắt.
  • Không dùng kính áp tròng khi đang bị đau mắt đỏ.
  • Giặt vỏ gối, ga trải giường, khăn mặt và khăn tắm thường xuyên bằng nước nóng và chất tẩy rửa. Rửa tay sau khi xử lý các vật dụng đó.
Người bệnh cần Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Không dùng hồ bơi. Thời điểm bị đau mắt đỏ bạn không nên đi bơi nhé.
  • Ngoài ra, người bệnh đau mắt đỏ cần đi khám bác sĩ sớm nhất để được chỉ định điều trị. Về nhà, cần dùng thuốc theo hướng dẫn từ bác sĩ để bệnh nhanh hồi phục. Tuyệt đối không dùng lại thuốc cũ hay dùng chung thuốc với người khác.
  • Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà bằng cách dùng các bài thuốc dân gian từ lá trầu, lá dâu,… để đắp trực tiếp lên mắt.
  • Không tự ý mua thuốc theo đơn của những người bị đau mắt đỏ khác vì nguyên nhân gây bệnh ở mỗi người có thể khác nhau. Dùng sai thuốc sẽ lâu khỏi thậm chí làm bệnh trở nặng.

Đến đây hẳn bạn đã biết đau mắt đỏ lây qua đường nào rồi đúng không. Vì bệnh này lây lan rất nhanh cho nên hãy phòng bệnh đúng cách nhé.

>>>> Xem thêm bài viết: U tuyến giáp là gì? U tuyến giáp kiêng ăn gì để không trở nặng, biến chứng?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *