Mượn gió bẻ măng là gì? Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe đến câu mượn gió bẻ măng. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu được hàm nghĩa sâu xa của câu nói này. Vậy mượn gió bẻ băng có nghĩa là gì? Cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây của để tìm lời giải đáp nhé!
Mượn gió bẻ măng là gì?
Từ trước đến nay, khi nghe đến câu thành ngữ “mượn gió bẻ măng”, nhiều người sẽ hiểu theo nghĩa là lợi dụng sức gió để bẻ măng. Ngoài ra câu này còn có một số cách đọc khác như “nhờ gió bẻ măng”, “lừa gió bẻ măng”,… Tuy nhiên, trên thực tế hàm nghĩa của câu nói này không đơn giản là như vậy.
Theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, “mượn gió bẻ măng” vốn là cách đọc chệch là “thừa gió bẻ măng”. Tư liệu này diễn giải rằng, thừa gió bẻ măng có nghĩa là nhân lúc trời nổi dông, cát bay mù mịt, nhà nhà đều đóng cửa; kẻ gian lợi dụng điều này để đi bẻ măng trộm mà không sợ bị phát hiện.
Ở miền Trung ngày xưa, có lệnh cấm bẻ măng để dưỡng cây tre, chắn gió, cát vì ở gần biển. Như vậy, thành ngữ “mượn gió bẻ măng” vốn bắt nguồn từ việc lợi dụng trời đổ gió lớn, mọi người không ra ngoài để bẻ trộm măng. Việc bẻ trộm măng này lại liên quan đến lệnh cấm, nếu bị bắt sẽ phải nộp phạt.
Câu chuyện về mượn gió bẻ măng
Có rất nhiều câu chuyện xuất xứ về câu thành ngữ “mượn gió bẻ măng”. Và để biết nguồn gốc câu thành ngữ mượn gió bẻ măng là gì, hãy cùng tìm hiểu những câu chuyện sau!
Câu chuyện 1
Ở một làng nọ, có một anh chàng bắt được một giỏ cá nhưng chẳng biết nấu với gì. Hôm ấy, trời bỗng đổ mưa to gió lớn nhìn sang nhà hàng xóm thấy bụi tre có mấy cây măng non đang bị gió quật nghiêng ngả. Lúc này anh ta liền nảy ra ý định ăn trộm. Nhân lúc gió lớn, anh ta lần đến bụi tre bẻ quách mấy cây măng.
Chủ nhà thấy anh ta cầm măng về bèn chạy lại hỏi: “Sao anh lại bẻ măng của tôi?” Anh bẻ măng liền cãi: “Anh thấy tôi bẻ măng của anh ư?” Chủ nhà lại hỏi: “Thế anh cầm cái gì đây? Anh ta liền đáp: “Cây măng”. Chủ nhà lại nói tiếp: “Thì chẳng phải anh bẻ chứ sao măng lại ở trên tay của anh.”
Anh bẻ măng cãi: “Tôi không bẻ mà do gió to đổ cây măng. Anh không thấy cây măng mềm yếu như vậy mà gió lại to như thế. Thử hỏi làm sao nó đứng vững được? Lần sau tre nhà anh có măng, anh phải cắm cọc, buộc vào cho măng có chỗ vịn. Mưa to gió lớn như vậy tránh sao được măng gãy.” Chủ nhà nghe anh chàng biện lý liền chịu thua để anh ta cầm măng về.
Câu chuyện 2
Chuyện kể rằng vào một buổi sáng nọ, chủ nhà nhìn ra bụi tre ở góc vườn thì phát hiện mấy cái măng đã “không cánh mà bay”. Chủ nhà đoán thủ phạm chính là lão hàng xóm xấu tính đã chặt mất. Thế nhưng vốn là người tử tế, không muốn chuyện bé xé ra to nên người chủ chỉ nói vài câu bóng gió tỏ ý tiếc.
Có tật giật mình, lão hàng xóm nghe xong liền lý giải rằng: “Đêm qua có trời nổi trận gió to, chắc mấy cái măng bị gãy rồi gió thổi đi mất đấy”. Rõ ràng đây là cách giải thích vô lý nhưng với kẻ tham lam, lại không còn nhân cách thì vốn chẳng cần lý lẽ. Họ chỉ lấy đại một cái cớ, tạm xoa dịu, cho dù người nghe có tin hay không thì cũng chẳng để tâm.
Câu chuyện 3
Ở một góc rừng nọ, họ hàng nhà tre sống quây quần bên nhau. Trong số những cây tre đẹp nhất phải kể đến là Điền Trúc với thân hình cao lớn vượt trội, nước da xanh thẫm bóng mượt. Năm nào nó cũng cho ra đời 3 – 4 lứa măng mũm mĩm, chóng lớn khác thường. Một điều kỳ lạ là năm nay Điền Trúc chỉ ươm được một chồi măng duy nhất.
Thế nhưng Điền Trúc không hề buồn rầu mà lại hết sức tự hào vì chồi măng lớn nhanh như thổi. Thân măng cao hơn đầu người cùng với lớp vỏ ngoài nõn nà. Điền Trúc luôn chăm chút, che chở cho búp măng non với một niềm tin mãnh liệt rằng không lâu nữa búp măng sẽ trở thành cây tre đẹp nhất rừng.
Một hôm, có chú gấu con lạc vào nơi họ hàng nhà tre sinh sống. Khi phát hiện nơi đây tràn ngập những búp măng đang đua nhau mọc mơn mởn trông thật hấp dẫn, gấu con ồ lên ngạc nhiên vì đây là món khoái khẩu của chú. Điền Trúc không thèm bận tâm, vẫn say sưa ca hát và nghĩ rằng con gấu bé tẹo kia làm sao bẻ gãy được búp măng cao lớn thế.
Nghe thấy tiếng hát của Điền Trúc, gấu con lập tức chạy tới chỗ búp măng cao lớn với ý định sẽ bẻ mang về làm thức ăn cho gia đình. Dù cố lay hết sức nhưng gốc măng cũng chỉ hơi nghiêng. Bỗng nhiên rừng cây xào xạc khác thường, một cơn gió lớn không biết từ đâu bất ngờ ào tới khiến mọi vật đều nghiêng ngả.
Đúng lúc chồi măng non cúi người thấp xuống để né gió, gấu con nhào tới víu lấy ngọn măng cố sức bẻ thật mạnh. Sau đó, chồi măng lập tức bị gãy phập xuống gần gốc. Điền Trúc chưa kịp nhận ra thì gấu con đã hớn hở ôm củ măng chạy biến về nhà. Nhờ có gió mà gấu con mới bẻ được măng.
Dù người nhỏ sức yếu nhưng gấu con đã bẻ được cây măng lớn. Vì đã biết lợi dụng tình thế, chọn đúng lúc có gió để tăng thêm sức mạnh của mình. Việc mượn sức người khác để đem lợi về cho mình chẳng là mượn gió bẻ măng là gì. Thế nhưng cần phải biết lựa thời điểm, chớp lấy thời cơ thì mới có thắng lợi.
Ý nghĩa sâu xa của thành ngữ “mượn gió bẻ măng”
Có thể thấy rằng từ một hiện tượng xã hội, ông cha ta đã ví von thành một câu thành ngữ chỉ vỏn vẹn bốn chữ “mượn gió bẻ măng”. Tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều triết lý sống để người đời có thể lấy đó mà nhận biết, đề phòng. Vậy hàm ý sâu xa của câu mượn gió bẻ măng là gì?
Theo Tục ngữ sưu tập và lược giải của Phan Thượng Hải, nghĩa của thành ngữ “mượn gió bẻ măng” là lợi dụng cơ hội, lợi dụng lúc có nguyên cớ bao che để làm việc xấu xa, sai trái. Ví như kẻ lợi dụng có gió lớn để bẻ măng đổ cho gió lớn quật ngã chứ mình không làm. Vì vậy câu nói này dùng để ám chỉ người nào đó có hành động xấu xa, hay chèn ép người khác để giành phần lợi về mình.
Cho đến ngày nay, cũng có nhiều người “mượn gió bẻ măng” tồn tại trong xã hội hiện đại. Mượn tay ai đó để thực hiện hành động xấu xa. Đó có thể là việc một người dùng danh tiếng, quyền lực, tiền bạc của mình để gài bẫy người khác, khiến họ tổn hại về kinh tế, tinh thần. Nhưng cũng có người dùng nó để tạo cơ hội cho mình và gặt hái được nhiều thành công.
Bàn luận về sự tốt – xấu của “mượn gió bẻ măng”
Đến đây chắc hẳn các bạn đã biết ý nghĩa của câu mượn gió bẻ măng là gì? Và để có thể bàn về sự tốt xấu của thành ngữ “mượn gió bẻ măng”, chúng ta cần dựa vào nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là hoàn cảnh và dưới đây sẽ là những ví dụ cụ thể:
Trong môi trường công sở
Một cô nàng thực tập mới đến dựa vào kỹ năng giao tiếp khéo léo, cô ta dùng đủ lý do để nhờ đồng nghiệp làm thay công việc của mình. Lấy cớ mình mới đi làm, lương thấp để được người khác mời ăn mỗi ngày. Hành động “mượn gió bẻ măng” như vậy là rất xấu và đáng lên án.
Trong môi trường kinh doanh
Công ty A sản xuất hàng gia dụng đang trên đà phát triển với nguồn doanh thu cao. Thị trường ngày càng mở rộng, song quy mô sản xuất của họ lại nhỏ nên muốn đầu tư thêm. Nhưng để mở rộng quy mô sẽ cần đến nguồn vốn lớn, và họ lại không đủ khả năng. Thế là, họ quyết định thôn tính một công ty B (làm cùng lĩnh vực với mình).
Công ty B có số lượng nhân công dồi dào nhưng lại đang rơi vào khủng hoảng. Sau khi đàm phán, cả hai công ty A và B quyết định hợp nhất lại để cùng nhau phát triển. Tập đoàn hợp nhất từ hai công ty đều nhanh chóng nổi tiếng, lợi nhuận ngày càng tăng cao.
Nhìn vào câu chuyện có thể thấy rõ ràng công ty A đang “mượn gió bẻ măng” để thôn tính công ty B. Thế nhưng, trong môi trường kinh doanh quan trọng nhất vẫn là biết nắm bắt thời cơ, lợi dụng khéo léo mọi điều kiện để mở ra cơ hội cho mình, đạt được thành công.
Mặc dù vậy, không phải bất cứ trường hợp kinh doanh nào cũng có thể dùng chiêu “mượn gió bẻ măng”. Có những trường hợp lợi dụng tình hình khó khăn, hàng khan hiếm để chèn ép, tăng giá nhằm trục lợi thì đó lại là một hành vi xấu, liên quan nhiều đến vấn đề đạo đức con người.
Hy vọng với những lời giải thích trong bài viết trên, các bạn đã hiểu được ý nghĩa thành ngữ mượn gió bẻ măng là gì? Từ đó có thêm cho mình những kiến thức bổ ích, thú vị khi tìm hiểu về tục ngữ, thành ngữ Việt Nam.
>>> Xem thêm bài viết: Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã“