“Ngưu tầm ngưu mã tầm mã” là một câu thành ngữ quen thuộc trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa và nguồn gốc của nó. Để hiểu rõ về câu thành ngữ này, mời bạn tham khảo nội dung dưới đây của chúng tôi!
Ngưu tầm ngưu mã tầm mã là gì?
“Ngưu tầm ngưu mã tầm mã” là thành ngữ Hán Việt quen thuộc trong giao tiếp hiện nay. Xét nghĩa từng từ sẽ như sau:
- Ngưu: Nghĩa là “trâu”.
- Mã: Nghĩa là “ngựa”.
- Tầm: Nghĩa là “tìm”.
=> Ghép lại theo cấu trúc tổng thể, ngữ nghĩa câu thành ngữ sẽ là “trâu tìm đến trâu, ngựa tìm đến ngựa”. Điều này thì quá rõ rồi vì thông thường trâu hay ngựa đều sống theo bầy đàn, có thói quen cùng nhau đi kiếm ăn, về chuồng… Thế nhưng trong cuộc sống hiện tại, nghĩa chung của thành ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” lại lệch theo hướng xấu khác. Nó chỉ những kẻ xấu thì thường hay tìm đến nhau để cùng giao du hay mưu đồ làm những việc mờ ám, xấu xa, bất chính,…
Một số câu tương tự có thể kể đến như “Nồi nào úp vung nấy”, “Ngựa chạy có bầy chim bay có bạn”, “Gió tầng nào gặp mây tầng đó”,… Những câu này đều ám chỉ việc nếu bạn tài giỏi, ưu tú thì chắc chắn sẽ có những người xuất sắc đến với bạn. Còn nếu gia cảnh không tương xứng thì khó mà kết thân được.
Điển tích về nguồn gốc “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã”
Theo sách Tả truyện, được coi là sáng tác của Tả Khâu Minh (viết trong khoảng năm 722 – 468 TCN) có ghi chép truyện về danh tướng Ngô Khởi. Ông là là đệ tử của Khúc Ban – Học trò quý của Khổng Tử. Trong một lần chinh chiến, ngựa của Ngô Khởi bị tuột cương và chạy lạc vào một bầy trâu rừng. Thấy kẻ lạ, bầy trâu bèn quay lại húc con ngựa lạc kia tơi bời.
Phải khó khăn lắm con ngựa mới thoát ra khỏi vòng vây, may mắn chạy đến một đàn ngựa thả rông trên thảo nguyên. Không chỉ thoát chết, chú ngựa này còn được một bác tiều phu đem về nhà chăm sóc và tìm được chủ tướng Ngô Khởi. Về xuất xứ của thành ngữ “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã” là như vậy. Nếu chỉ “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa” thì câu chuyện ở đời lại thật đơn giản.
Thế nhưng với người Việt ta, trâu hay ngựa vốn chỉ được coi là loài vật có thân phận thấp hèn (Làm thân trâu ngựa cho loài khuyển dương); thậm chí còn có những hành vi độc ác, kiểu súc vật (Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi). Có lẽ chính vì vậy mà câu thành ngữ này đã mang một nét nghĩa tiêu cực; ám chỉ hành động a dua, đua đòi của những kẻ xấu, kiểu “thầy nào thì tớ ấy”.
Bài học rút ra từ câu thành ngữ là gì?
Thành ngữ “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã” được đúc kết từ kinh nghiệm sống hàng ngày nhằm khuyên bảo chúng ta hãy tránh xa môi trường độc hại, tiêu cực. Người ta hay nói rằng muốn biết bạn như thế nào, hãy cho tôi biết bạn của bạn. Vì vậy, các bạn hãy biết chọn bạn mà chơi; cẩn trọng khi quyết định kết bạn và chọn cho mình môi trường sống, làm việc lành mạnh và tích cực.
Cùng từ câu thành ngữ này chúng ta rút ra được nhiều bài học như:
- Nhận thức được tầm quan trọng của việc lựa chọn và tiếp xúc với những người có giá trị tương đương. Khi chúng ta kết hợp với những người có năng lực, kiến thức và lòng tin giống nhau,… sẽ tạo ra được sự đồng thuận, đồng lòng và tương trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu.
- Bài học về sự tương ứng và phù hợp trong mối quan hệ. Câu thành ngữ nhắc nhở mọi người nên tìm kiếm và gắn kết với những người bạn, đồng nghiệp hay đối tác có khả năng, phẩm chất và mục tiêu giống mình.
- Chúng ta cần tránh tiếp xúc hay kết giao với những người có giá trị, tư tưởng hay mục tiêu không phù hợp với mình. Việc tiếp xúc với người có tầm nhìn không đồng điệu hay không đồng lòng có thể gây mâu thuẫn, mất thời gian và làm ảnh hưởng đến bản thân.
Qua những thông tin bên trên, chắc hẳn các bạn đã hiểu hơn về câu thành ngữ Ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Việc tìm được cho mình được một người bạn, đồng nghiệp hay đối tác có cùng phẩm chất, chí hướng,… là điều tuyệt vời. Có như vậy chúng ta sẽ học hỏi và thúc đẩy bản thân tiến xa hơn để đạt được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
>>> Xem thêm thông tin bài viết: Sến Là Gì? Sến Súa Là Gì? Giải Đáp Một Số Thuật Ngữ Của Giới Trẻ