Đau họng là vấn đề sức khỏe nhiều người mắc phải trong những ngày thời tiết giao mùa. Từ những nguyên liệu dễ kiếm bạn hoàn toàn có thể cải thiện triệu chứng đau họng ngay tại nhà. Tham khảo ngay những cách chữa đau họng hiệu quả, cực kỳ an toàn trong bài viết dưới đây.
Nước muối sinh lý
Tính sát trùng, kháng khuẩn của nước muối sinh lý có tác dụng làm sạch, vệ sinh, cải thiện các triệu chứng đau họng. Theo đó, bạn có thể dùng nước muối sinh lý pha sẵn hoặc tự pha với tỷ lệ 0.9% (9 gam muối tinh khiết trong 1 lít nước cất). Súc miệng và rửa họng bằng nước muối ấm mỗi ngày 1-2 lần giúp giảm đau rát họng, làm loãng và loại bỏ đờm, cải thiện khó nuốt và khàn giọng.
Cách thực hiện:
- Ngậm nước muối trong miệng khoảng 5 phút.
- Từ từ ngửa cổ ra sau, khi nước muối chạm vào phía sau họng, sử dụng hơi để đẩy nước muối và tạo ra tiếng “khò khò”.
- Nhổ nước muối và lặp lại quy trình trên 3-4 lần với nước muối mới.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý không pha nước muối quá mặn hoặc ngậm trực tiếp trong miệng. Vì độ mặn của muối có thể gây tổn thương niêm mạc, lâu hồi phục.
Mật ong
Mật ong chứa nhiều chất chống oxy hóa, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng như chrysin, catalase, vitamin A và vitamin E. Cách chữa đau họng bằng mật ong giúp làm dịu cổ họng và cải thiện tình trạng khàn giọng.
Cách thực hiện:
- Hâm nóng một thìa mật ong.
- Ngậm trực tiếp khi mật ong còn nóng. Mỗi ngày, uống từ 3 đến 5 lần cho đến khi triệu chứng đau họng hết.
Gừng tươi
Gừng tính nóng, có khả năng diệt khuẩn, kháng viêm và bổ phế. Đây là cách chữa đau họng sau khi uống rượu được nhiều người sử dụng. Từ gừng bạn có thể sử dụng để cải thiện tình trạng đau họng theo các phương pháp sau:
Cách thực hiện:
- Trà gừng: Thái lát mỏng hoặc đập dập một nhánh gừng tươi và hãm trong một cốc nước ấm trong khoảng 5-10 phút (có thể thêm một ít muối). Khuấy đều, mỗi ngày uống 2,3 lần. Bạn cũng có thể thêm nước cốt chanh (tỷ lệ 1:1) hoặc mật ong để tăng hương vị.
- Kết hợp gừng và hành tím: Lột vỏ và cắt gừng tươi thành từng lát; cho vào nồi cùng 2-3 củ hành tím. Thêm một lượng nước vừa đủ và đun sôi. Sử dụng nước hầm này để xông mũi và miệng ba lần mỗi ngày.
>> Xem thêm bài viết: [GIẢI ĐÁP]: Ăn mứt gừng nhiều có tốt không?
Rễ cam thảo
Theo Đông y, rễ cam thảo được coi là một loại thuốc chữa đau họng mạn tính. Trong y học hiện đại, rễ cam thảo chứa axit glycyrrhizic, có khả năng kích thích tiết dịch và làm loãng đờm hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Dùng khoảng 250ml nước sôi để hãm 15g rễ cam thảo trong khoảng 15 – 20 phút.
- Sử dụng trà cam thảo khi vẫn còn ấm để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Tuy nhiên, cần tránh và không nên sử dụng các sản phẩm chứa thành phần từ rễ cam thảo khi đang mang thai hoặc cho con bú.
Bạc hà
Bạc hà chứa tinh dầu menthol, có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn và làm tan đờm. Ngoài ra, axit rosmarinic trong bạc hà có khả năng chống phản ứng dị ứng, tạo cảm giác dễ chịu cho cổ họng. Tuy nhiên, người mắc hen suyễn không nên sử dụng tinh dầu menthol vì có thể kích thích đường hô hấp, gây ra các triệu chứng khó thở.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 3 – 5 gram lá bạc hà tươi, rửa sạch và vò xát nhẹ.
- Hãm lá bạc hà với khoảng 250 – 300ml nước sôi trong 10 – 15 phút.
- Bạn cũng có thể thêm một ít đường phèn để dễ uống hơn. Uống trà khi vẫn còn ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tỏi nướng
Tỏi không chỉ là gia vị phổ biến trong các món ăn mà còn là loại thảo dược có hiệu quả giúp giảm cảm giác đau rát khi bị đau họng. Tỏi giúp làm ấm, giảm viêm và kháng khuẩn do chứa các hợp chất như allicin và diallyl.
Cách thực hiện:
- Nướng tỏi (giữ nguyên cả vỏ) cho đến khi phần vỏ bên ngoài cháy xém và tỏi tỏa ra mùi thơm nhẹ.
- Để tỏi nguội sau đó bóc vỏ và loại bỏ phần bị cháy.
- Giã nát tỏi cùng với 1-2 gram muối.
- Thêm vào 30ml nước, sau đó chắt lấy nước cốt và loại bỏ phần xác.
Sử dụng hỗn hợp này mỗi ngày 1 lần và sử dụng ngay vì sau 10 phút hỗn hợp sẽ mất đi hiệu quả.
Giấm táo
Giấm táo có hiệu quả tốt trong việc hỗ trợ cải thiện các triệu chứng khó chịu của viêm họng, có tính kháng khuẩn và giúp làm loãng chất nhầy đồng thời ổn định pH trong các mô, ức chế hoạt động của vi khuẩn.
Cách thực hiện:
- Cho 2 thìa giấm táo vào một cốc nước.
- Thêm vào cốc khoảng 250ml nước ấm và khuấy đều.
- Sử dụng để súc miệng và khò họng 3 – 4 lần mỗi ngày.
- Kiên trì áp dụng trong nhiều ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Trên đây là tổng hợp những cách chữa đau họng tại nhà đơn giản, hiệu quả mà bạn có thể tham khảo. Đau họng là tình trạng phổ biến, gặp ở mọi độ tuổi. Vậy nên, hãy chia sẻ thông tin bài viết này cho bạn bè, người thân mình cùng biết bạn nhé!