Gần đây, liên tiếp xuất hiện những vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa, pate chay, cá ủ chua. Đây được biết đến là loại độc tố nặng, có thể gây liệt thần kinh, liệt cơ, thậm chí tử vong. Vậy nhiễm botulinum là gì? Bài viết dưới đây tổng hợp đầy đủ kiến thức về tình trạng này giúp bạn có thêm kiến thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh.
Vi khuẩn clostridium botulinum là gì?
Vi khuẩn clostridium botulinum, còn được biết đến với tên gọi là Botulinum (viết tắt là C.botulinum), thuộc họ vi khuẩn gram dương hình que và có khả năng phát triển trong môi trường thiếu oxy.
Năm 1895, Emile Van Ermengem đã công nhận và phân lập lần đầu tiên vi khuẩn C.botulinum khi phát hiện nhóm bệnh ngộ độc sau khi ăn giăm bông. Vi khuẩn này sinh ra bào tử, có khả năng di chuyển, chịu nhiệt và tồn tại trong môi trường, bao gồm đất, bụi, bùn và phân.
Độc tố Botulinum là gì?
Đây là một loại protein được tạo ra bởi vi khuẩn Clostridium Botulinum. Độc tố này được xem là chất độc gây tử vong mạnh nhất từng được biết đến. Liều lượng có thể gây tử vong khi tiêm vào khoảng 1,2-1,3 ng/kg và 10-13 ng/kg khi hít vào.
Trong điều kiện thiếu oxy, vi khuẩn C. botulinum tạo ra bào tử và bài tiết độc tố. Có tổng cộng 7 loại độc tố botulinum chính, được đặt tên là A, B, C, D, E, F, G. Trong số đó, 4 nhóm A, B, E và F (hiếm gặp) có khả năng gây bệnh ở người.
Loại độc tố này đã được phát hiện trong nhiều loại thực phẩm, rau củ được bảo quản môi trường ít axit như nấm, đậu xanh, củ cải đường, thực phẩm đóng hộp, cá lên men, cá muối và hun khói, các sản phẩm từ thịt như giăm bông và xúc xích.
Nhiễm botulinum là gì?
Đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, thể hiện qua các biểu hiện như sụp mí mắt và các dấu hiệu bất thường liên quan đến cơ mặt, mắt và cổ họng. Vi khuẩn sản xuất chất độc (độc tố) tác động trực tiếp lên hệ thần kinh làm yếu và tê liệt các cơ. Nếu không được điều trị kịp thời, ngộ độc có thể gây tử vong.
Nguyên nhân gây ngộ độc
Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngộ độc botulinum mà bạn cần biết:
Ngộ độc tố botulinum do thực phẩm
Bệnh do độc tố botulinum có trong thực phẩm thường xuất hiện và biểu hiện các triệu chứng trong khoảng 4 giờ đến 8 ngày (thường là từ 12 – 36 giờ) sau khi tiêu thụ thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Các loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thường là sản phẩm không được chế biến, vận chuyển cẩn thận hoặc bảo quản sai cách. Cụ thể:
- Pate đóng hộp.
- Thịt nguội đóng hộp.
- Dăm bông, xúc xích hoặc thịt hun khói.
- Các loại cá được đóng hộp như cá thu, cá ngừ.
- Các loại thực phẩm muối chua như cà, dưa, hành…
- Gia vị đóng hộp như nước sốt cà chua, sốt phô mai.
Ngộ độc botulinum đường ruột người lớn
Đây là một dạng hiếm gặp của tình trạng ngộ độc botulinum. Tình trạng này xuất hiện khi các bào tử của vi khuẩn clostridium xâm nhập vào đường tiêu hóa, sau đó phát triển, nhân lên và sản xuất độc tố.
Người mắc bệnh sẽ bị tổn thương đường tiêu hóa, liệt thần kinh và liệt cơ tiến triển nhanh chóng, dẫn đến suy hô hấp do nồng độ độc tố trong cơ thể tăng cao.
Ngộ độc botulinum xảy ra ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh dễ mắc độc tố này do bào tử clostridium từ môi trường nhiều hơn là từ độc tố có trong thực phẩm, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bào tử này có thể xâm nhập vào cơ thể của trẻ thông qua việc tiếp xúc với bụi bẩn, đất trên tay trẻ hoặc thậm chí là khi trẻ hít từ không khí.
Ngộ độc đường hô hấp
Đây là trường hợp ngộ độc botulinum rất hiếm gặp, xảy ra khi người bệnh vô tình hít phải độc tố từ môi trường hoặc từ bình xịt chứa chất độc. Triệu chứng của ngộ độc do nguyên nhân này thường xuất hiện muộn so với các hình thức ngộ độc khác. Các triệu chứng tăng dần theo thời gian và có thể dẫn đến tình trạng khó thở và suy hô hấp.
Ngộ độc botulinum xảy ra do vết thương
Người bệnh có thể gặp ngộ độc botulinum do bào tử clostridium có trong bùn đất hoặc bụi bẩn xâm nhập qua vết thương hở nếu không được sát trùng và băng bó đúng cách. Quá trình này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, sản xuất độc tố.
Các biểu hiện của ngộ độc botulinum từ vết thương có thể xuất hiện sau khoảng 2 tuần từ thời điểm nhiễm vi khuẩn. Điều này khiến quá trình phát hiện và chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.
Ngộ độc botulinum do thẩm mỹ botox
Botox là phương pháp thẩm mỹ giúp làm căng cơ và xóa nếp nhăn bằng cách tiêm một lượng nhỏ botulinum tinh chế đã được pha loãng với nước muối sinh lý. Để thực hiện kỹ thuật này, các chuyên gia y tế cần tính toán chính xác liều lượng và đề phòng trước các biến chứng có thể xảy ra. Nếu Botox được tiêm tại các cơ sở không đảm bảo an toàn, có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc botulinum, gây liệt cơ.
Cơ chế gây bệnh do nhiễm độc tố botulinum
Bệnh do độc tố botulinum xuất hiện khi cơ thể tiếp xúc với độc tố có trong thực phẩm hoặc độc tố mới được tiết ra trong đường tiêu hóa và các mô do vi khuẩn xâm nhập như dạ dày và ruột. Độc tố này không bị acid của dịch vị phá hủy, nhanh chóng hấp thụ vào máu và lan tỏa ra toàn cơ thể, xâm nhập vào các tế bào của các mô khác nhau.
Ban đầu, độc tố tác động lên các tế bào của hệ thần kinh trung ương, nối với các đầu mút thần kinh, gây ra các biểu hiện lâm sàng như nôn, buồn nôn. Độc tố cũng nhanh chóng thâm nhập vào máu qua lớp màng nhầy của đường hô hấp.
Những triệu chứng khi bị nhiễm độc botulinum là gì?
Các triệu chứng bị nhiễm độc botulinum thường bắt đầu xuất hiện sau khoảng 12 – 36 giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm (có thể kéo dài tới 1 tuần sau khi ăn).
- Tiêu hóa: Nếu nhiễm độc tố botulinum do thực phẩm bệnh nhân sớm xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng.
- Hệ thần kinh: Người bệnh sẽ bị sụp mí mắt, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nuốt, khó nói, khàn tiếng, và khô miệng. Sự liệt cơ bắt đầu đối xứng ở hai bên, từ vùng đầu mặt và cổ lan xuống chân.
Nếu nhiễm độc tố mức độ nhẹ, người bệnh có thể trải qua mệt mỏi và suy nhược cơ tương tự như suy nhược cơ thể thông thường. Trong trường hợp, nhiễm độc tố mức độ nặng, bệnh tiến triển nhanh chóng và có thể dẫn đến liệt tất cả các cơ, ứ đọng đờm dãi, suy hô hấp, có thể gây ngừng thở dẫn đến tử vong.
Cách chẩn đoán khi bị ngộ độc botulinum
Để chẩn đoán ngộ độc botulinum, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm như tìm độc tố trong máu, phân hoặc chất nôn của người bệnh. Các mẫu thực phẩm nghi ngờ cũng sẽ được kiểm tra độc tố.
Ngoài ra, các xét nghiệm khác cần thực hiện bao gồm:
- CT-Scan/MRI sọ não.
- Xét nghiệm dịch não tủy.
- Kiểm tra các chức năng thần kinh cơ (tiến hành đo điện cơ).
- Kết quả của các xét nghiệm này có thể mất vài ngày để được hoàn tất. Vì vậy, bác sĩ thường bắt đầu điều trị ngay lập tức nếu nghi ngờ ngộ độc.
Biện pháp xử trí khi bị ngộ độc botulinum
Ngộ độc botulinum là một tình trạng nhiễm độc nghiêm trọng, có thể gây ra các biểu hiện sức khỏe đe dọa tính mạng của người bệnh. Để đảm bảo thể trạng, hỗ trợ quá trình phục hồi, việc xử trí cần được thực hiện ngay khi có nghi ngờ về triệu chứng ngộ độc này. Dưới đây là các biện pháp chính được áp dụng:
Dùng thuốc giải botulinum
Thuốc kháng độc tố là một phương pháp điều trị chuyên biệt được sử dụng để trung hòa độc tố trong cơ thể và ngăn chặn các triệu chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như suy hô hấp.
Việc chẩn đoán và sử dụng thuốc kháng độc tố botulinum càng sớm sẽ tăng cường khả năng hồi phục và giảm thời gian điều trị.
Sử dụng máy thở
Những trường hợp ngộ độc nặng, khiến cho cơ hô hấp bị liệt và người bệnh gặp khó khăn trong việc thở hoặc suy hô hấp. Lúc này bác sĩ sẽ đề xuất việc sử dụng máy thở để cung cấp oxy cho quá trình trao đổi khí của người bệnh.
Người bệnh có thể phải phụ thuộc vào máy thở trong khoảng vài tuần đến vài tháng, cho đến khi cơ hô hấp được phục hồi và có khả năng tự thở trở lại.
Sử dụng thuốc kháng sinh
Trong trường hợp ngộ độc do nhiễm độc từ vết thương hở, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để loại bỏ phần vết thương. Đồng thời, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh phổ rộng để chống lại nhiễm trùng kèm theo.
Ngoài việc dùng thuốc giải độc và điều trị suy hô hấp, người bệnh ngộ độc Botulinum cũng cần nhận được chăm sóc toàn diện, bao gồm chăm sóc dinh dưỡng, theo dõi tình trạng tổng thể và hỗ trợ tinh thần để đảm bảo sự phục hồi tốt nhất.
Những biến chứng sau khi bị ngộ độc botulinum
Độc tố botulinum có thể gây tổn thương không thể phục hồi trên các tế bào thần kinh – cơ. Do đó, ngay cả sau khi người bệnh đã được điều trị bằng thuốc giải độc tố vẫn có một số trường hợp gặp phải các biến chứng như:
- Mệt mỏi và suy nhược kéo dài.
- Giảm khả năng đi lại và thực hiện các hoạt động lao động.
- Khó thở khi tham gia các công việc nặng.
- Nhiễm trùng hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi.
- Tình trạng bứt rứt, tê bì tay chân do tổn thương dây thần kinh.
Cách phòng ngừa nhiễm độc tố botulinum
Hiện nay, chưa có vacxin phòng ngừa độc tố botulinum. Đây cũng là một loại độc tố có tính chất nguy hiểm. Vậy nên chúng ta cần tuân thủ những vấn đề sau để phòng tránh:
Giữ môi trường sống sạch sẽ
Bào tử của vi khuẩn clostridium có khả năng sinh sống rất lâu trong môi trường có nhiều bụi bẩn hoặc bùn đất. Vì vậy, để ngăn chặn sự phát triển của bào tử, bạn cần thực hiện việc quét dọn, vệ sinh, duy trì môi trường sống thường xuyên.
Ngoài ra, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng chứa chất diệt khuẩn hoặc sử dụng gel rửa tay, cùng việc rửa tay sau khi tiếp xúc với bùn đất, sau khi thực hiện các hoạt động vệ sinh, hoặc trước khi ăn cũng là biện pháp quan trọng để đảm bảo sự an toàn và ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.
Chăm sóc cẩn thận khi bị thương, tránh để nhiễm trùng
Chăm sóc vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng rất cần thiết để phòng tránh ngộ độc botulinum. Đối với các vết thương hở, việc thực hiện sơ cứu đúng cách bao gồm:
- Làm sạch vùng vết thương loại bỏ bụi bẩn, bùn đất.
- Dùng dung dịch sát khuẩn sát trùng vết thương.
- Băng bó vết thương hạn chế sự xâm nhập vi khuẩn xâm nhập.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Bảo quản thực phẩm đúng cách là biện pháp thiết thực để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nguy cơ ngộ độc botulinum. Dưới đây là một số biện pháp:
- Ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi và chế biến hàng ngày để giảm nguy cơ tiếp xúc với thực phẩm có thể chứa độc tố botulinum.
- Tránh ăn thức ăn cũ trong tủ lạnh quá lâu, đặc biệt là khi chúng đã biến đổi về mùi vị và màu sắc.
- Lựa chọn những sản phẩm đóng hộp đã được kiểm định nghiêm ngặt, đảm bảo còn hạn sử dụng và bảo quản ở nhiệt độ thấp. Có thể nấu chín lại sản phẩm trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
- Bảo quản thực phẩm lên men như dưa chua, măng chua… ở nơi cao ráo, thoáng mát và không sử dụng nếu có mùi khác thường.
- Nấu sôi thực phẩm đóng hộp khoảng 10 phút trước khi ăn để đảm bảo phá hủy độc tố botulinum, vì chúng bị phân hủy ở nhiệt độ cao.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách thực hiện kiểm tra; đảm bảo rằng quá trình sản xuất, lưu trữ, và phân phối thực phẩm được thực hiện đúng cách, nhất là đối với thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm độc tố botulinum.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về ngộ độc botulinum mà bạn cần biết. Thực tế, ngộ độc botulinum gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không có hướng xử lý phù hợp. Do đó, ngay khi phát hiện những triệu chứng nhiễm độc, người bệnh cần phải được cấp cứu kịp thời để không gây nguy hiểm đến tính mạng.
>>> Xem thêm bài viết: Dumb là gì? Sự khác nhau giữa Dumb, Stupid và Idiot