Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra, thường bùng phát vào mùa mưa tại những khu vực có môi trường vệ sinh kém. Trước đây bệnh này thường xuất hiện ở trẻ em nhưng hiện nay, rất nhiều người lớn cũng mắc phải. Cùng chúng tôi tìm hiểu về cách nhận biết sốt xuất huyết tại nhà ở cả trẻ em lẫn người lớn để có biện pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có tên tiếng Anh là Dengue. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp gây ra bởi virus Dengue. Bệnh truyền nhiễm nhanh, nguyên nhân là do muỗi vằn (muỗi Aedes) truyền virus Dengue từ người mắc bệnh sang cho người khỏe mạnh.
Cụ thể, muỗi Aedes cái sẽ hút máu của vật chủ bị nhiễm virus Dengue sau đó ủ bệnh trong cơ thể. Chúng sẽ truyền bệnh cho những người khỏe mạnh khác thông qua vết đốt bởi trong tuyến nước bọt của muỗi vằn có chứa virus Dengue.
Hàng triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết xảy ra ở trên toàn thế giới mỗi năm. Sốt xuất huyết xảy ra ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, đây là môi trường thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi vằn. Bệnh sốt xuất huyết phổ biến nhất là ở Đông Nam Á, các đảo phía tây Thái Bình Dương, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi. Nhưng căn bệnh này hiện đã lan sang các khu vực mới, bao gồm cả những đợt bùng phát cục bộ ở châu Âu và các vùng phía nam Hoa Kỳ.
Tại nước ta, với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, lại đang bước vào mùa mưa nên muỗi phát triển nhanh, làm gia tăng dịch sốt xuất huyết. Theo thống kê từ Bộ Y tế, từ đầu năm nay đến 25/8/2023 cả nước đã ghi nhận 66.386 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 14 ca tử vong.
Virus Dengue có thể xuất hiện và gây bệnh cho cả trẻ em và người lớn. Do có sức đề kháng yếu hơn, cho nên sốt xuất huyết thường phổ biến với trẻ em hơn, nhất là ở độ tuổi từ 9 – 12. Tuy nhiên, người trưởng thành cũng không nên chủ quan với căn bệnh này, bởi những triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn nếu như không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì cũng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Cách nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn
Cách nhận biết sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em đều tương tự nhau vì các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn khá giống nhau. Nhưng do thể trạng khác nhau mà mức độ nguy hiểm cũng khác nhau. Cụ thể, bạn có thể tham khảo cách nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn như sau:
Sốt xuất huyết ở người lớn |
Sốt xuất huyết ở trẻ em |
– Khi mắc sốt xuất huyết thông thường, người bệnh sẽ sốt cao, có thể lên đến 40 độ trong khoảng 4 – 7 ngày kèm các triệu chứng như: đau đầu, đau phía sau mắt, đau khớp và cơ. Xuất hiện phát ban, buồn nôn, có thể nôn khá nhiều, nặng thì sẽ xuất huyết nội tạng,… Sau khoảng thời gian sốt cao kèm những triệu chứng trên, người bệnh sẽ có dấu hiệu xuất huyết ngoài da (da có các chấm đỏ), đi ngoài ra máu, mệt mỏi… – Hội chứng sốc dengue: nó là biến chứng của sốt xuất huyết thông thường, là một triệu chứng khá nặng khi gây chảy máu ồ ạt, tụt huyết áp,… Tình trạng này xảy ra khi cơ thể miễn dịch chủ động hoặc thụ động, nó rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong cho bệnh nhân. |
– Sốt xuất huyết ở trẻ em thường xuất hiện với những triệu chứng đầu tiên là sốt cao kéo dài từ 2 – 7 ngày kèm theo đó là xung huyết da, mặt đỏ, đau họng, mệt mỏi, buồn nôn,… – Sau quá trình khởi phát, thì bệnh nhi sẽ có những dấu hiệu như là xuất huyết dưới da dạng chấm đỏ mọc ở ngực, nách, cẳng tay, chân. Xuất hiện chảy máu mũi, chảy máu chân răng, có thể đi ngoài ra máu. – Nhiều trường hợp diễn tiến nặng, trẻ có dấu hiệu sốc dengue như là mê sảng, nôn mửa, lừ đừ, gan tăng kích thước, mạch không ổn định,tay chân lạnh. Đây là tình trạng nguy hiểm và cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, nếu không có dẫn đến trường hợp tử vong. |
Sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn có những triệu chứng khác nhau nhưng tình trạng chung đều sẽ trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 – sốt: người bệnh sẽ có dấu hiệu sốt cao từ 39 – 40 độ trong khoảng 2 ngày đầu. Biểu hiện này thường gây nhầm lẫn với sốt virus thông thường. Người bệnh được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết chỉ khi làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag và cho ra kết quả dương tính.
- Giai đoạn 2 – nguy hiểm: đây là giai đoạn nguy hiểm nhất có thể khiến người bệnh tử vong. Thông thường, sau 2 ngày đầu sốt cao, thì từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu xuất huyết ngoài da (như chảy máu cam, chảy máu chân răng); xuất huyết dưới da dạng chấm đỏ phát ban hoặc là theo mảng. Trong giai đoạn 2 này, nếu không biết cách nhận biết sốt xuất huyết để phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng nặng như sốc dengue, xuất huyết nội tạng thậm chí có thể bị xuất huyết não và tử vong.
- Giai đoạn 3 – hồi phục: người bệnh đã qua giai đoạn nguy hiểm thì thể trạng sẽ dần tốt lên. Người bệnh bắt đầu có thể ăn uống bình thường, ăn ngon hơn, tiểu cầu tăng, cơ thể dần phục hồi theo trạng thái tích cực.
Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?
Khi không được điều trị kịp thời, bệnh sốt xuất huyết có thể gây những biến chứng vô cùng nguy hiểm:
- Suy thận, suy tim: Suy tim xảy ra do xuất huyết liên tục trong cơ thể làm cho hệ thống tuần hoàn bị rối loạn. Tm vì vậy mà không đủ sức bơm máu nên liên tục xuất hiện dịch huyết tương làm màng tim bị tràn dịch, ứ đọng, khiến suy giảm, xuất huyết cơ tim. Suy thận là hệ quả từ việc thận phải làm việc hết công suất để tiến hành bài tiết huyết tương qua nước tiểu.
- Sốc: virus Dengue làm tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương, cô đặc máu. Khi tình trạng này đạt tới một ngưỡng nhất định sẽ gây sốc làm máu bị đẩy ra ngoài với những triệu chứng: chảy máu cam, chảy máu chân răng,… Nguy hiểm nhất là xuất huyết nội tạng với hiện tượng tiểu ra máu, ho ra máu, nôn ra máu, rong kinh, xuất huyết âm đạo bất thường,…
- Xuất huyết não: sốt xuất huyết nặng sẽ làm tiểu cầu giảm, nếu không được truyền kịp thời có thể gây xuất huyết não gây tử vong.
- Tràn dịch màng phổi: đường hô hấp bị huyết tương trong cơ thể tràn vào gây tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm đường hô hấp, phù phổi,… Khi không được cấp cứu, bệnh nhân sẽ bị đe dọa tính mạng.
- Hôn mê: dịch huyết tương ứ đọng ở trong màng não, xâm lấn qua thành mạch gây phù não cùng các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê.
- Sinh non hoặc sảy thai đối với phụ nữ mang thai: phụ nữ có thai bị sốt xuất huyết có nguy cơ sinh non, sảy thai hoặc thai lưu. Ngoài ra thai phụ cũng có thể bị tiền sản giật, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ do chức năng gan thận bị tổn thương.
Điều trị sốt xuất huyết
Cách nhận biết sốt xuất huyết sẽ giúp bạn có biện pháp điều trị kịp thời. Hiện chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết triệt để. Do đó, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ ở cả người lớn và trẻ em.
- Hạ sốt đúng cách: nếu người bệnh sốt trên 38,5 độ, hãy hạ sốt với Paracetamol theo liều lượng được chỉ định. Có thể uống lặp lại sau 4 – 6h nếu bị tái sốt. Tránh dùng các loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và aspirin vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Tiến hành làm mát cơ thể, bù nước để tránh biến chứng khi sốt cao.
- Cân bằng dinh dưỡng: bị sốt xuất huyết khiến người bệnh chán ăn, đau họng, buồn nôn. Do đó, hãy dùng những thực phẩm mềm, dễ tiêu như cháo, sữa,.. chia thành nhiều bữa nhỏ. Uống nhiều nước, nhất là điện giải oresol, nước lọc, nước trái cây,… để làm mát cơ thể từ bên trong, hỗ trợ đào thải cho cơ thể. Cung cấp vitamin A, B, C để xây dựng lại hệ miễn dịch, cải thiện sức đề kháng và tăng cường chức năng hồi phục.
- Nếu thực hiện những biện pháp điều trị tại nhà nhưng không có sự thuyên giảm hoặc xuất hiện những biểu hiện nặng hơn như: tay chân lạnh, xuất huyết, mạch yếu, viêm họng, khó thở,… thì cần được người bệnh đến ngay trạm y tế để được điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về cách nhận biết sốt xuất huyết. Vì bệnh có tính nguy hiểm cao nên hãy nhận biết nhanh chóng và điều trị kịp thời. Bệnh lây truyền qua muỗi cho nên phương pháp tốt nhất để hạn chế sốt xuất huyết chính là chủ động phòng ngừa. Nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, nhất là thời gian giao mùa và mưa nhiều. Tiến hành tiêu diệt muỗi và những nơi muỗi sinh sản như vũng nước đọng, bụi rậm.
>>> Xem thêm bài viết: U tuyến giáp là gì? U tuyến giáp kiêng ăn gì để không trở nặng, biến chứng?