Ngôi kể thứ 3 là một trong những ngôi kể phổ biến nhất trong văn học. Với ngôi kể này, nó giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện, nhưng đôi khi lại bị giới hạn bởi một nhân vật, sự kiện,… Vậy ngôi kể thứ 3 là gì? Nó có tác dụng của ngôi kể thứ 3 là gì? Cùng khám phá về ngôi kể này qua những chia sẻ ngay sau đây nhé.
Ngôi kể thứ 3 là gì? Có bao nhiêu ngôi kể?
Trước khi tìm hiểu về ngôi kể thứ 3 là gì thì chúng ta cần phải biết ngôi kể là gì đã. Ngôi kể trong văn học là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng khi kể chuyện. Ngôi kể của một câu chuyện sẽ quyết định ai là người kể và mối quan hệ với những nhân vật trong câu chuyện. Tùy vào ngôi kể mà câu chuyện có thể mang lại nhiều cảm xúc khác nhau.
Hiện nay ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ 3 là phổ biến nhất cho nên có không ít người cho rằng có 2 ngôi kể. Tuy nhiên, ngoài 2 ngôi kể phổ biến thì chúng ta còn có ngôi kể thứ 2, tuy nhiên ngôi kể này không phổ biến, ít được sử dụng.
Ngôi kể thứ nhất
Trong ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện sẽ là người trong câu chuyện, kể câu chuyện theo quan điểm riêng của mình. Lời tường thuật sử dụng đại từ “tôi” hoặc “chúng tôi”.
Nhân vật kể chuyện có thể là nhân vật chính của chuyện hay là một nhân vật quan sát chuyện từ bên ngoài. Nhưng ở cả hai trường hợp, người đọc đều sẽ nhận được sự kể lại của nhân vật đó về những gì xảy ra. Điều đó cũng có nghĩa là các ấn tượng, mô tả về chuyện sẽ chịu chi phối bởi ý kiến, tâm trạng, trải nghiệm của nhân vật đó. Thậm chí là những nhận thức sai lệch của họ về điều họ nhìn thấy và nghe thấy.
Ngôi kể thứ 2
Ngôi kể này ít được sử dụng, trong đó mạch chuyện sẽ được điều khiển bởi một nhân vật được gán cho độc giả, người được gọi là bạn. Độc giả đắm chìm vào câu chuyện với tư cách chính là một nhân vật tham gia vào câu chuyện. Người kể chuyện sẽ mô tả những gì “bạn” làm và cho phép bạn suy nghĩ với bối cảnh của riêng mình.
Tác phẩm nổi tiếng nhất sử dụng ngôi kể thứ hai là tiểu thuyết Bright Lights, Big City của nhà văn Jay McInerney. Trong đó có đoạn: “Tại ga tàu điện ngầm, bạn đợi tàu ở sân ga 15 phút. Cuối cùng, một người dân địa phương, bị mê hoặc bởi các bức vẽ graffiti, lê bước vào nhà ga. Bạn có một chỗ ngồi và nâng một bản sao của tờ New York Post.”
Ngôi kể thứ 3 là gì?
Sau khi đã tìm hiểu về ngôi kể thứ nhất và thứ 2, chúng ta cùng tìm hiểu ngôi kể thứ 3 là gì? Ngôi kể thứ 3 là một trong những ngôi kể phổ biến nhất, được dùng để miêu tả các nhân vật, hành động, tình huống trong câu chuyện một cách khách quan.
Trong ngôi kể này, đại từ nhân xưng sẽ được gọi bằng họ bằng tên hoặc dùng đại từ ngôi thứ ba là “anh ấy”, “cô ấy” và “họ”. Ngôi kể thứ 3 rất khách quan, người viết sẽ tạo ra một thế giới ở trong câu chuyện một cách rất chân thực, độc lập với những quan điểm hay cảm nhận của bất kỳ một nhân vật nào ở trong câu chuyện. Vì thế, ngôi kể thứ 3 là công cụ quan trọng giúp tác giả truyền tải những thông điệp của mình tới người đọc.
Có những kiểu ngôi kể thứ 3 nào?
Tùy vào cách tiếp cận câu chuyện mà ngôi kể thứ 3 lại được chia thành nhiều kiểu khác nhau. Cụ thể, có 3 cách tiếp cận ngôi kể thứ 3 là:
Ngôi kể thứ 3 toàn diện
Ngôi kể thứ 3 toàn diện còn được gọi là ngôi kể thứ 3 toàn trí. Thuật ngữ “toàn trí” (omniscient) nhằm biểu thị kiến thức, cái nhìn đầy đủ. Người kể chuyện ngôi thứ 3 ở góc nhìn toàn trí sẽ có cái nhìn sâu sắc toàn diện về tất cả các nhân vật, họ chia sẻ góc nhìn toàn diện này với người đọc.
Người kể chuyện ở góc độ này có thể chuyển đổi liền mạch giữa các nhân vật, bộc lộ các suy nghĩ và cảm xúc của bất kỳ nhân vật nào. Khả năng này thường được tận dụng để tạo ra sự căng thẳng, gay cấn trong chuyện.
Ví dụ, trong tiểu thuyết Kiêu hãnh và Định kiến của Jane Austen được kể từ góc nhìn toàn diện của ngôi thứ ba, giúp cho người đọc có thể tiếp cận đầy đủ với Elizabeth – nhân vật chính, cũng như các nhân vật xung quanh cô.
Ngôi kể thứ 3 hạn chế
Đây là khi tác giả ở ngôi thứ 3 nhưng chỉ bám sát một nhân vật. Khía cạnh “hạn chế” có nghĩa là câu chuyện sẽ được truyền tải thông qua nhân vật hiện tại và chỉ tiết lộ trải nghiệm, hành động, suy nghĩ của họ. Với tư cách là người viết, bạn có thể đi sâu vào cảm xúc, hoạt động nội tâm của nhân vật này. Nhưng nhân vật này sẽ không biết được suy nghĩ của nhân vật khác.
Người kể chuyện có thể sử dụng góc nhìn này cho toàn bộ cuốn tiểu thuyết hoặc là chuyển đổi giữa các nhân vật khác nhau giữa các chương, phần truyện. Kiểu ngôi kể này cho phép tác giả giới hạn góc nhìn của người đọc, kiểm soát những thông tin mà người đọc biết.
Góc nhìn này có hiệu quả trong việc xây dựng sự hồi hộp. Vì độc giả và nhân vật sẽ khám phá các chi tiết cùng một lúc, cho nên nó phù hợp với các thể loại văn học ly kỳ, bí ẩn.
Ngôi kể thứ 3 trung lập
Ở góc nhìn trung lập của ngôi thứ ba, người kể chuyện vẫn hoàn toàn khách quan và tách biệt. Không giống như những góc nhìn của người thứ ba khác, người kể chuyện này sẽ không đi sâu vào tâm trí, cảm xúc của nhân vật và động cơ của họ.
Người đọc chứng kiến những sự kiện diễn ra và rút ra những suy luận của riêng mình, tạo một trải nghiệm sống động. Góc nhìn ngôi kể thứ 3 này rất hiệu quả trong truyện ngắn, ngoài ra nó cũng có thể được sử dụng trong những câu chuyện dài nếu bản chất của câu chuyện hợp với lối kể chuyện tách rời như vậy.
Ernest Hemingway đã sử dụng giọng kể này trong truyện ngắn Hills Like White Elephants của mình. Một người kể chuyện không rõ danh tính đã kể lại cuộc đối thoại của một cặp đôi khi họ đợi tàu ở Tây Ban Nha. Quan điểm này đã đặt người đọc vào vị trí của một kẻ tò mò, nghe lén một câu chuyện.
Tác dụng của ngôi kể thứ 3 là gì?
Ngôi kể thứ 3 là lối kể chuyện phổ biến nhất được sử dụng trong văn học. Ngôi thứ ba có những tác dụng sau trong văn bản như sau:
- Giúp người đọc dễ hình dung các tình huống truyện: Tác giả sử dụng ngôi kể thứ 3 để tạo ra một thế giới chân thực, độc lập với những quan điểm hay cảm nhận của bất kỳ nhân vật nào. Điều này giúp người đọc dễ dàng hình dung những tình huống, sự kiện trong câu chuyện, từ đó tạo nên các trải nghiệm đọc tuyệt vời.
- Phát triển nhân vật mạnh mẽ: So với ngôi kể thứ nhất và thứ 2 thì ngôi kể thứ ba có phạm vi tường thuật rộng hơn, đồng thời thu hút sự chú ý của nhiều nhân vật. Nó mang đến cho người đọc cái nhìn tổng thể độ về cốt truyện, mỗi góc độ sẽ bổ sung thông tin mà nhân vật khác không có để tạo ra câu chuyện phong phú và phức tạp.
- Tính linh hoạt của câu chuyện: Ngôi thứ ba rất linh hoạt, bạn có thể có mặt ở mọi nơi trong câu chuyện, giúp người đọc nhìn thấy mọi thứ và chuyển đổi giữa những câu chuyện của nhiều nhân vật khác nhau. Bạn có thể nhìn nhận câu chuyện từ góc độ toàn diện hoàn toàn đến góc nhìn hạn chế. Ngôi kể này mang tới cho người đọc khả năng thâm nhập vào lối suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Từ đó mang đến cho người đọc trải nghiệm chân thực về nhân vật và khung cảnh trong chuyện.
- Tăng tính tin cậy cho người kể chuyện: Viết văn từ góc nhìn thứ ba sẽ tạo ra cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện. Góc độ này cùng với việc người kể chuyện biết suy nghĩ của các nhân vật mang lại cho câu chuyện một giọng kể đáng tin cậy hơn.
Đến đây hẳn bạn đã biết ngôi kể thứ 3 là gì. Đây là một trong những ngôi kể phổ biến nhất, bạn hãy thử vận dụng từng góc độ kể chuyện khác nhau để câu chuyện thêm hấp dẫn, thú vị nhé.
>>> Xem thêm bài viết: Chủ thể trữ tình là gì? Cách xác định chủ thể trữ tình