Vào những ngày hè oi ả, nóng bức cơ thể dễ bị mất nước dẫn đến mệt mỏi, suy nhược và thậm chí là choáng ngất. Những loại nước giải khát mùa hè được xem là giải pháp chống nóng giúp cân bằng thân nhiệt, bảo vệ sức khỏe của bản thân đơn giản và hiệu quả. Dưới đây là 20 loại nước đơn giản mà bạn có thể tham khảo và làm tại nhà!
1. Nước rau má
Trong Đông y, rau má có vị ngọt đắng và tính mát, không độc có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc, lợi tiểu nên thường dùng chữa viêm họng, ho, tiêu chảy, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa. Còn trong y học hiện đại, rau má đã được chứng minh chứa rất nhiều vitamin K, B1, B2, B3 có tác dụng đào thải độc tố cho gan; đồng thời thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa, tăng cường trí nhớ và thị lực.
Đặc biệt, nước rau má còn là loại thức uống giải nhiệt mùa hè vô cùng hiệu quả. Nguyên liệu và cách làm cực kỳ đơn giản như sau:
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Rau má
- Nước lọc
- Đường phèn
- Đá lạnh
- Rây
Cách làm nước rau má
- Bước 1: Tiến hành rửa thật sạch rau má và để ráo nước. Lưu ý nên giữ cả rễ vì đây là phần chứa nhiều chất dinh dưỡng.
- Bước 2: Cho rau má vào máy xay rồi xay cho thật nhuyễn, mịn. Trong quá trình xay thì nên cho thêm 1 ít nước lọc để khi xay được dễ dàng hơn.
- Bước 3: Sau khi xay xong, dùng rây để lọc bã rau má và lấy phần nước cốt.
- Bước 4: Thêm đường và đá vào nước cốt để thưởng thức.
2. Trà bí đao hạt chia
Trà bí đao hạt chia hay sâm bí đao hạt chia, là loại thức uống thơm mát và bổ dưỡng bạn có thể làm tại nhà vào mùa hè này. Đây là thức uống thanh mát, giúp giải độc gan và đồng thời còn làm giảm hấp thụ chất béo từ thức ăn; từ đó loại bỏ mỡ thừa trong cơ thể 1 cách tự nhiên và an toàn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Bí đao tươi
- Muối
- Mía lau
- Lá dứa
- Đường
- Nước lọc
- Hạt chia (hoặc có thể dùng hạt é thay thế)
Cách làm trà bí đao hạt chia
- Bước 1: Bí đao đem rửa cho thật sạch, để nguyên vỏ và cắt khoanh dày 1 – 2 cm và bỏ hạt để tránh làm chua nước. Chú ý nên chọn bí đao già, có đốm vàng bên ngoài và hạt bên trong đã cứng thì nước sẽ ngon, đậm đà hơn.
- Bước 2: Lá dứa rửa sạch và để ráo nước, hạt chia ngâm vào nước ấm khoảng 10 phút để hạt chia nở ra thì vớt ra.
- Bước 3: Bắc một nồi nước lên, cho thêm muối, bí đao và mía lau vào nồi đun. Khi nước sôi thì cho lá dứa vào, đun với lửa nhỏ khoảng tầm 2 tiếng.
- Bước 4: Sau 2 tiếng thì đổ ra rây lọc để lọc lấy nước cốt và bỏ bã.
- Bước 5: Cho đường vào phần nước bí đao, dùng muỗng khuấy cho tan hết đường.
- Bước 6: Sau khi nước bí đao nguội thì cho vào cốc, thêm đá và hạt chia để thưởng thức.
3. Nước chanh tươi
Nước chanh tươi dễ mua, dễ làm giúp tăng sức đề kháng, chống oxy hóa, cải thiện tình trạng khô khát thường được dùng để chữa các bệnh khô nóng do nhiệt. Tuy là thức uống giải khát tốt nhưng bạn không nên lạm dụng, bởi dùng nhiều nước chanh sẽ gây tác hại cho sức khỏe như làm hỏng men răng, hại dạ dày,…
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Quả chanh
- Đường
- Nước lọc
Cách làm nước chanh tươi
- Bước 1: Cho đường và nước với tỷ lệ 1:1 vào nồi đun với lửa nhỏ cho đến khi đường tan hết rồi để nguội, sau đó cho vào tủ lạnh để dùng dần.
- Bước 2: Lăn nhẹ quả chanh vài lần để lúc vắt chanh dễ và ra được nhiều nước hơn. Đặc biệt là không bị tinh dầu ở phần vỏ lẫn vào nước cốt sẽ khiến cho nước chanh bị đắng.
- Bước 3: Đổ nước cốt chanh, sirô đường, nước lọc vào cốc và khuấy đều lên cho thêm đá là món nước chanh đã hoàn thành rồi đấy.
- Bước 4: Nước chanh sau hoàn thành xong vô cùng tươi mát, hấp dẫn, đảm bảo sẽ xua tan mọi cơn nóng nực của ngày hè.
4. Nước nha đam đường phèn
Nha đam đường phèn là thức uống giải độc cơ thể, giúp làn da tươi sáng và rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, nha đam cho khả năng chứa các bệnh về huyết áp, xơ gan, béo phì,… Cách làm nước giải khát mùa hè tại nhà với nha đam cực đơn giản với nguyên liệu và các bước như sau:
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Nha đam
- Đường phèn
- Lá dứa
- Dầu chuối
- Muối
Cách làm nước nha đam đường phèn
- Bước 1: Nha đam đem đi gọt bỏ hết phần vỏ xanh, chỉ lấy phần thịt trắng của nha đam rồi sau đó rửa qua với nước muối pha loãng cho bớt nhớt.
- Bước 2: Bắc lên bếp 1 nồi nước, nấu sôi rồi thêm đường phèn vào và khuấy cho tan hết. Sau đó thì bỏ lá dứa vào để nấu chung.
- Bước 3: Khi thấy lá dứa chuyển màu sậm hơn thì vớt ra và thêm vào vài giọt dầu chuối, tiếp tục cho hết nha đam đã sơ chế vào trộn đều rồi tắt bếp.
- Bước 4: Thêm đá để thưởng thức luôn, hoặc cho vào chai nhỏ và bỏ vào tủ lạnh để dùng dần.
5. Trà đào cam sả
Trà đào chanh sả hiện đang là một trong các loại đồ uống được ưa chuộng tại các quán kinh doanh nước giải khát. Loại nước này có vị ngọt thanh, mùi hương dễ chịu và chứa nhiều vitamin A, C cùng chất polyphenol duy trì lượng nước và độ ẩm trong cơ thể sẽ khiến bạn lâu đói. Đặc biệt, sả có công dụng giảm triệu chứng ợ chua, khó tiêu và có tác dụng tích cực trong việc giảm cân.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Trà lọc hương đào
- Sả
- Đào ngâm
- Cam
- Nước
- Đường
Cách làm trà đào cam sả:
- Bước 1: Bắc nồi nước lên đun sôi với sả đã được cắt thành nhiều khúc trong tầm khoảng 15 phút.
- Bước 2: Vớt sả ra, cho túi lọc trà hương đào vào phần nước sả trong khoảng 10 phút.
- Bước 3: Cam cắt đôi ra, rồi cắt 1 lát ngang mỏng bỏ riêng; phần còn lại thì vắt lấy nước.
- Bước 4: Cho nước cam vào phần trà đã ngâm; tiếp tục thêm đường (tùy khẩu vị), 1 ít nước đào ngâm, 1 lát cam, đá và vài miếng đào ngâm là bạn có thể thưởng thức rồi.
6. Nước đỗ đen
Nước đỗ đen có tác dụng thanh nhiệt, làm đẹp da và giải độc. Ngoài ra nếu sử dụng đúng cách còn giúp chữa mụn nhọt, sốt, cảm nắng, say nắng,… Vì vậy trong những ngày hè nắng nóng, bạn có thể sử dụng loại thức uống này để giải nhiệt cơ thể.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Đỗ đen
- Nước
- Rây lọc
Cách làm nước đỗ đen
- Bước 1: Đỗ đen đi rửa sạch, loại bỏ hạt hỏng rồi vớt ra để cho ráo nước.
- Bước 2: Bắc chảo lên bếp, để lửa vừa rồi cho đỗ đen vào rang; tiến hành đảo liên tục để đỗ không bị cháy. Sau khi thấy đỗ đen chín (vàng đều) thì tắt bếp.
- Bước 3: Cho nước vào nồi rồi đun sôi, khi nước sôi thì cho đỗ đen đã rang vào đun sôi tiếp trong khoảng 10 phút và sau đó tắt bếp.
- Bước 4: Đậy nắp nồi để ủ thêm khoảng 15 phút.
- Bước 5: Dùng rây lọc để lọc bỏ xác đỗ, giữ lấy phần nước rồi để nguội.
- Bước 6: Cho vào chai cất vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
7. Nước râu ngô
Nước râu ngô là thức uống mùa hè mà bạn không nên bỏ qua. Bởi ngoài cách làm đơn giản thì nó còn có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột được dễ dàng. Uống nước râu ngô thường xuyên còn giúp hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu, làm đông máu.
Đặc biệt, người bị bệnh sỏi thận hoặc sỏi bàng quang và sỏi niệu quản sử dụng nước râu ngô lâu dài sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat. Nguyên liệu cần chuẩn bị và cách làm nước râu ngô như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu
- Râu ngô
- Đường
- Mía lau
- Lá dứa
- Nước
Cách làm nước râu ngô
- Bước 1: Râu ngô, lá dứa rửa nhẹ nhàng với nước cho thật sạch rồi để cho ráo nước. Mía gọt sạch phần vỏ bên ngoài, rồi cắt thành những đoạn ngắn.
- Bước 2: Bắc một nồi nước lên bếp và cho thêm râu ngô, lá dứa, mía vào rồi đậy nắp và đun sôi với lửa nhỏ. Tiến hành đun cho đến khi hỗn hợp nước thật sôi thì vớt các nguyên liệu ra khỏi nồi.
- Bước 3: Cho thêm đường vào, khuấy để đường tan nhanh hơn, dùng rây lọc sạch phần xác mía còn sót lại để nước râu ngô được trong.
- Bước 4: Tiếp tục nấu cho đến khi nước sôi mạnh trở lại thì tắt bếp và để nguội là được.
8. Nước đỗ xanh rang
Nước đỗ xanh rang là thức uống có vị nhạt, hương thơm nhẹ nhàng giúp giải độc, giải nhiệt và thanh lọc cơ thể rất tốt. Cách nấu nước đỗ xanh rang vô cùng đơn giản tại nhà mà bạn có thể thực hiện.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Đỗ xanh
- Nước
- Muối
- Đường
Cách làm nước đỗ xanh
- Bước 1: Rửa sạch đỗ xanh rồi để cho ráo nước.
- Bước 2: Bắt chảo lên bếp với lửa nhỏ, cho đỗ xanh vào rang đều tay khoảng 10 phút (thấy đỗ xanh vàng đều) thì tắt bếp.
- Bước 3: Cho nước và đỗ xanh vào nồi, bắc lên bếp với lửa nhỏ rồi đun sôi đến khi đỗ xanh nở ra; sau đó tắt bếp.
- Bước 4: Cho thêm muối hoặc đường vào cho dễ uống (tùy khẩu vị).
9. Nước atiso lá dứa
Nước atiso thơm mát, thoang thoảng mùi của lá dứa uống hàng ngày sẽ giúp thanh lọc gan, điều tiết sự lưu thông của mật. Đồng thời cải thiện khả năng tiêu hóa và giảm mỡ máu.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Bông atiso
- Lá dứa
- Đường phèn
Cách làm nước atiso lá dứa
- Bước 1: Bông atiso rửa sạch và cắt bỏ phần cuống; còn lá dứa rửa sạch, cuộn tròn và cột lại.
- Bước 2: Cho bông atiso vào nồi, thêm lá dứa và nước lọc đổ ngập mặt bông atiso rồi đun sôi từ 1 đến 1.5 tiếng. Lưu ý, cần kiểm tra thường xuyên và nếu thấy cạn nước thì cho thêm nước vào, rồi tiếp tục đun sôi.
- Bước 3: Khi thấy bông atiso đã ra hết chất ngọt, tiến hành vớt bỏ bông ra đĩa.
- Bước 4: Thêm đường phèn vào phần nước, đun cho đến khi tan hết đường thì tắt bếp.
- Bước 5: Để nguội, sau đó cho nước vào bình và cất vào tủ lạnh để dùng dần.
10. Trà gạo lứt
Ngoài tác dụng thanh nhiệt giải độc; trà gạo lứt còn hỗ trợ lọc máu, loại bỏ độc tố và giúp trắng hồng, mịn màng. Hiện nay, trà gạo lứt là thức đồ uống được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm tại nhà.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Gạo lứt
- Lá trà xanh
Cách làm trà gạo lứt
- Bước 1: Với gạo lứt thì bạn tiến hành nhặt bỏ hạt xấu, rửa gạo với nước cho thật sạch rồi đem đi phơi nắng 1 ngày cho khô.
- Bước 2: Làm nóng chảo, cho gạo lứt vào rang khoảng 5 phút đến khi gạo hơi ngả vàng và có mùi thơm thì tắt bếp ngay.
- Bước 3: Sử dụng ấm pha trà có rây lọc, cho gạo lứt đã rang và lá trà xanh vào. Sau đó đổ nước sôi vào, đợi khoảng 5 phút là có thể rót ra cốc để uống.
- Bước 4: Bảo quản phần gạo lứt đã rang còn lại vào hũ có nắp đậy trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
11. Trà tắc
Trà tắc thơm ngon, mát lạnh chua chua ngọt ngọt chính là thức uống giúp bạn xua tan đi cái nắng nóng oi ả của ngày hè. Ngoài ra, trà tắc còn có tác dụng thanh lọc gan hiệu quả.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Trà khô
- Tắc (quất)
- Đường vàng
- Nước lọc
Cách làm trà tắc
- Bước 1: Bắc nồi nước lên bếp, để lửa lớn cho sôi. Khi nước sôi cho trà khô vào, đậy nắp; hạ lửa vừa và đun thêm khoảng 2 phút rồi tắt bếp.
- Bước 2: Sau 15 phút thì mở nắp nồi, lọc nước qua rây để lấy nước trà và bỏ xác. Ngay khi trà còn nóng thì cho đường vàng vào để dễ hòa tan, khuấy đều cho tan hết đường.
- Bước 3: Gạn nước trà qua một tô khác để bỏ phần cặn trà lắng dưới đáy. Sau đó đậy kín lại, chờ nguội hoàn toàn.
- Bước 4: Rửa sạch tắc, ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút cho sạch khuẩn rồi vớt ra để ráo.
- Bước 5: Cắt lát 1 phần quả tắc, 3 phần còn lại thì cắt đôi rồi vắt lấy nước cốt và bỏ hạt.
- Bước 6: Cho nước tắc đã vắt vào phần nước trà, rồi khuấy đều.
- Bước 7: Thêm tắc lát mỏng và đá vào trà tắc là có thể thưởng thức.
12. Trà bông cúc nhãn nhục
Trà bông cúc có tác dụng giải khát, thanh nhiệt; giảm stress và an thần cực tốt. Vị đắng nhẹ của trà hoa cúc khi kết hợp với nhãn nhục và đường phèn sẽ tạo ra loại thức uống có hương vị rất tuyệt vời.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Nhãn nhục
- Hoa cúc phơi khô
- Đường phèn
- Nước lọc tinh khiết
- Rây lọc
Cách làm trà bông cúc nhãn nhục:
- Bước 1: Hoa cúc khô cho vào ngâm nước ấm khoảng 10 phút, sau đó vớt ra và để ráo.
- Bước 2: Tương tự hoa cúc khô, nhãn nhục cũng ngâm vào nước ấm rồi vớt ra để ráo nước.
- Bước 3: Cho hoa cúc vào nồi nước, bắc lên bếp rồi đun sôi. Khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa và để khoảng 10 phút thì tắt bếp.
- Bước 4: Phần xác hoa cúc thì cho đường phèn và nước lọc vào đun cho đường tan hết. Sau đó cho nhãn nhục vào đun thêm 2 phút thì tắt bếp.
- Bước 5: Để nguội hoặc cho thêm đá và thưởng thức.
13. Trà mướp đắng
Theo Đông y, trà mướp đắng sẽ giúp tán nhiệt, thanh tâm, bổ thận, lợi tiểu giải độc khí và dưỡng huyết. Tuy nhiên, mướp đắng có tính lạnh nên chỉ phù hợp với các chứng nhiệt độc tích tụ trong cơ thể. Đối với người tỳ vị hư hàn (chức năng tiêu hóa yếu) thì không nên dùng nhiều, vì dễ dẫn đến đau bụng và tiêu chảy.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Mướp đắng
- Đường phèn
Cách làm trà mướp đắng
- Bước 1: Rửa sạch mướp đắng và ngâm với nước muối trong khoảng 10 phút.
- Bước 2: Cắt mướp đắng thành những miếng mỏng 1-2mm rồi cho lên chảo đảo đều cho khô nước, đến khi mướp đắng chuyển thành màu nâu trắng thì để nguội.
- Bước 3: Bỏ 5-7 lát mướp đắng vào 1 cái ly, thêm khoảng nước sôi vào và đợi khoảng 2-3 phút là có thể uống.
- Bước 4: Bảo quản mướp đắng khô trong ngăn lạnh của tủ lạnh để dùng dần.
14. Nước chanh dây nguyên chất
Chanh dây không chỉ là 1 nguyên liệu trong các món bánh và món ăn, mà còn được sử dụng để pha chế đồ uống rất tốt cho sức khỏe. Nước chanh dây nguyên chất có vị chua ngọt hấp dẫn, thanh mát sẽ giúp giải nhiệt cơ thể nhanh chóng.
Nguyên liệu chuẩn bị
- Quả chanh dây
- Đường
- Nước
- Rây lọc
Cách làm nước chanh dây
- Bước 1: Cắt đôi quả chanh dây, lấy muỗng cạo bỏ phần ruột rồi cho vào trong ly.
- Bước 2: Thêm đường và một chút muối (tùy khẩu vị), khuấy đều cho đến khi tan hết.
- Bước 3: Dùng rây lọc để lọc hạt chanh leo ra để lấy nước uống, còn nếu bạn thích ăn cả hạt thì có thể bỏ qua công đoạn lọc này.
- Bước 4: Cho thêm nước lọc và đá để thưởng thức.
15. Nước sắn dây
Sắn dây (cát căn) có vị ngọt, tính mát hỗ trợ cải thiện chứng cảm nắng, sốt cao, nhức đầu, sởi, mỏi vai gáy,… Nhưng bản chất sắn dây có tính hàn lương, ăn nhiều sẽ dễ lạnh bụng, gây tiêu chảy. Bên cạnh đó, phụ nữ khi mang thai hoặc người có hàn khí nặng không nên dùng do dễ khiến hàn khí kết tập trong người nặng thêm.
Nguyên liệu chuẩn bị
- Bột sắn dây
- Đường
Cách làm nước sắn dây sống
- Bước 1: Cho bột sắn dây vào cốc, thêm đường theo khẩu vị và cho nước sôi để nguội vào khuấy đều cho tan đường và bột sắn dây.
- Bước 2: Thêm nước cốt chanh để tăng hương vị, thêm đá viên và trang trí lát chanh thêm phần bắt mắt.
Cách làm nước sắn dây chín
- Bước 1: Cho bột sắn dây vào cốc, thêm đường phù hợp rồi cho một ít nước lọc vào khuấy tan bột sắn và đường.
- Bước 2: Cho nước sôi (nước vừa đun sôi) vào khuấy đều thành dạng sền sệt là được. Lưu ý, nếu pha nhiều bột sắn dây thì nên cho vào nồi khuấy ở lửa nhỏ cho đến khi sánh sệt như súp là được.
16. Trà xanh tươi
Trà xanh có tác dụng thanh nhiệt, giáng hỏa, tiêu thực; chống khát nước và mệt mỏi. Khi đi nắng về hoặc đang làm việc ngoài trời nắng thì uống trà xanh vào thấy dễ chịu, giảm khát tốt và khoan khoái trong người. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều sẽ làm tổn thương tân dịch của tỳ vị dẫn đến ăn kém. Người tỳ vị mắc chứng hư hàn cũng không nên uống nhiều trà.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Lá trà xanh tươi, cành trà xanh
Cách nấu trà xanh tươi
- Bước 1: Sử dụng một ít muối tinh trong khi rửa để lá trà được làm sạch tốt và sẽ có màu bắt mắt hơn. Sau khi đã rửa sạch, hãy để lá trà ráo nước.
- Bước 2: Tiếp theo, cho lá trà ra một cái tô rồi đổ nước sôi vào ngập và sau khoảng 30 giây chắt bỏ nước đi. Điều này sẽ giúp làm giảm đi phần nhựa tươi có trong cành và lá để nước trà sau khi pha không có mùi ngái.
- Bước 3: Đặt ấm nước hoặc nồi nước lên bếp, khi nước vừa sôi có bọt sủi lăn tăn thì cho lá trà xanh vào. Dùng đũa khuấy đều để cho toàn bộ lá trà đều ngập trong nước, rồi đậy nắp nồi lại và tiếp tục đun với lửa nhỏ đến khi thấy nước sôi thì tắt bếp).
- Bước 4: Ngâm trà khoảng 10 phút và rót nước trà vào bình sứ để thưởng thức. Nước trà thành phẩm sẽ có màu xanh trong, vị ngọt và chát nhẹ ở cổ cùng mùi thơm dịu đặc trưng, không bị ngái. Ngoài ra bạn có thể để nguội, cho vào chai và bảo quản lạnh. Lưu ý sử dụng trong ngày là tốt nhất, vì bảo quản trong thời gian dài sẽ khiến hàm lượng dưỡng chất trong trà giảm đi.
Trên đây là gợi ý về 16 loại nước uống giải khát mùa hè cực tốt và cách làm từng loại nước tại nhà được nhiều người yêu thích mà bạn có thể tham khảo. Ngoài các thức đồ uống kể trên, bạn cũng nên cung cấp đủ lượng nước lọc cần thiết cho thể để hạn chế sự mất nước; đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
>>> Xem thêm bài viết: Mách bạn 3 công thức nấu trà tắc thơm ngon, giải khát cực đã