Những chiếc xe nâng điện được sử dụng phổ biến nhờ khả năng sạc bình ắc quy tiện dụng. Tuy nhiên, chính nguồn năng lượng đặc thù này khiến người dùng cần lưu ý khi vận hành cũng như bảo dưỡng. Để đảm bảo thiết bị của bạn luôn có chất lượng tốt, nâng hàng hiệu quả, an toàn thì hãy cùng tìm hiểu về cách bảo dưỡng xe nâng điện trong những thông tin chia sẻ sau đây.
Xe nâng điện là gì?
Hiện nay chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc xe nâng tại những nhà kho, nhà xưởng, bến bãi,… Đây là dòng thiết bị chuyên dụng cho khả năng nâng, hạ, di chuyển vật nặng, hàng hóa từ nơi này đến nơi khác một cách dễ dàng.
Xe nâng gồm có nhiều loại khác nhau như xe nâng tay, xe nâng dầu, xe nâng điện. Trong đó, những chiếc xe nâng điện rất được ưa chuộng nhờ có nhiều tiện dụng. Đây là dòng xe nâng sử dụng bình ắc quy (bình điện của xe nâng) hay cắm điện trực tiếp để vận hành. Sự ra đời của những chiếc xe nâng điện giúp giải phóng sức lao động của con người trong công việc di chuyển, nâng hạ hàng hóa.
Xe nâng điện được chia thành 2 loại phổ biến đó là xe nâng điện đứng lái và ngồi lái. Trong đó, dòng xe điện ngồi lái được sử dụng. Những model này có thiết kế cabin ngồi lái tiện dụng, phù hợp cho những không gian làm việc lớn. Với dòng xe nâng điện đứng lái. người dùng sẽ đứng để vận hành, máy phù hợp cho những không gian làm việc có lối đi nhỏ hẹp.
Những chiếc xe nâng điện có thiết kế gồm một số bộ phận chính là giá nâng, càng nâng, khung nâng, đối trọng, xi lanh, cầu lái,…
Khi muốn nâng hàng, càng xe nâng được đưa vào pallet hàng hóa để nâng hàng. Bộ phận bơm dầu thuỷ lực của xe nâng sẽ bắt đầu bơm dầu nhiều hơn vào trong xi lanh nâng để đẩy khung nâng lên cao. Thông qua các con lăn dẫn hướng cùng mỡ chịu nhiệt, các tầng kim loại bắt đầu trượt trên đường ray. Hệ thống bánh đà trên xe nâng khiến cho dây xích chạy, con lăn trên giá nâng di chuyển trên đường ray giúp kéo càng nâng chứa pallet lên cao. Xilanh nghiêng sẽ ngả về phía sau giúp cho hàng hoá an toàn, không bị ngả về phía trước.
Khi khung nâng lên đến độ cao cần thiết, xe ngừng bơm dầu vào xilanh. Hàng hóa sẽ được đặt vào vị trí mong muốn. Sau khi đã dỡ hàng hoá, dầu thủy lực trong xilanh sẽ chảy ngược về thùng chứa. Xilanh nâng sẽ bắt đầu hạ xuống làm khung nâng cũng hạ xuống vị trí ban đầu. Xích trên puly sẽ chạy ngược vòng để cho càng nâng và giá nâng trở về vị trí thấp nhất. Xilanh nâng hạ cùng xilanh nghiêng sẽ được xả hết dầu về thùng chứa để xe trở lại trạng thái bình thường.
Xem thêm:
Mỡ Cách Điện Dùng Để Làm Gì? Cách Sử Dụng Mỡ Cách Điện Đúng Chuẩn
Mỡ Bôi Trơn Chịu Nhiệt Là Gì? Phân Loại Mỡ Bôi Trơn Chịu Nhiệt
Tại sao cần bảo dưỡng xe nâng điện?
Công việc bảo dưỡng xe nâng điện cần được tiến hành thường xuyên vì:
- Bảo dưỡng giúp xe nâng hoạt động bền bỉ, động cơ vận hành êm ái, trơn tru cho khả năng vận chuyển hàng hóa hiệu quả.
- Bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện nhanh chóng các sự cố, hỏng hóc của xe để tiến hành thay thế kịp thời. Từ đó không ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc cũng như không gây hư hỏng các chi tiết máy khác.
- Xe có nhiều chi tiết đặc thù như xilanh nâng hạ, xilanh nghiêng, dây xích, bánh răng, ắc quy,… cần được bảo dưỡng định kỳ mới có thể vận hành tốt.
- Bảo dưỡng giúp đảm bảo độ an toàn cho thiết bị cũng như người dùng trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
Quy trình bảo dưỡng xe nâng điện đúng chuẩn
Những chiếc xe nâng điện cần được bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo chất lượng, hiệu quả vận hành cũng như độ an toàn khi làm việc. Quy trình bảo dưỡng xe nâng điện đơn giản cơ bản gồm một số công việc như sau.
Vệ sinh xe nâng điện
Trong quy trình bảo dưỡng xe nâng điện chúng ta cần phải tiến hành vệ sinh xe nâng. Việc vận hành trong kho bãi khiến xe dễ bị bám bẩn, bạn nên vệ sinh xe định kỳ để đảm bảo an toàn. Chúng ta có thể sử dụng xăng hay hóa chất tẩy rửa chuyên dụng để làm sạch phần thân xe.
Kiểm tra bình ắc quy của xe
Bình ắc quy, bình điện hay pin là một trong những bộ phận vô cùng quan trọng của xe nâng này. Đây là nguồn cung năng lượng cho toàn bộ xe vận hành.
Bình ắc quy của xe nâng điện cần được vệ sinh sạch sẽ, kiểm tra nước bình ắc quy, nếu thấy thiếu nước thì cần châm nước đầy đủ, đồng đều ở các hộc bình (chú ý vạch UPPER).
Để đảm bảo an toàn và tăng tuổi thọ cho bình ắc quy xe nâng, chúng ta cần lưu ý một số điều sau:
- Khi nạp bình ắc quy, nhiệt độ không quá 50 °C.
- Không nạp bình ắc quy xe nâng gần nguồn lửa, nguồn nhiệt cao để tránh nguy hiểm cháy nổ xảy ra.
- Không đậy nắp các hộc bình trong khi đang nạp bình.
- Thường xuyên kiểm tra mức tỷ trọng dung dịch điện phân (axit sunfuric – H2SO4 loãng), mức tỷ trọng chuẩn là 1,28g. Không nên sử dụng dung dịch điện phân có tỷ trọng quá cao hoặc quá thấp vì sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của bình.
- Sau khi nạp điện xong, chúng ta cần đậy các nắp hộc bình và có thể tiến hành vệ sinh khô hoặc ướt.
Kiểm tra hệ thống sạc điện
Hệ thống sạc bình ắc quy xe nâng điện cũng cần được kiểm tra định kỳ. Bạn nên kiểm tra xem khi bình đầy, hệ thống có chức năng tự động ngắt hay không. Nếu chức năng này bị hỏng, không hoạt động thì cần sửa chữa ngay vì nó ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của bình điện.
Tùy vào bộ nạp sử dụng dòng điện có điện áp bao nhiêu mà bạn sẽ lựa chọn nguồn điện áp phù hợp. Nếu thiết bị dùng điện áp 220V, mà nguồn điện của bạn lại là 380V thì chúng ta cần sử dụng biến áp để biến đổi dòng điện sao cho phù hợp với bộ nạp.
Thời gian nạp bình ắc quy an toàn là khoản 4 – 6h/lần. Nếu nạp quá lâu thì có thể bộ nạp của bạn đã gặp sự cố, cần gọi thợ sửa chữa sớm nhất.
Tra mỡ vào các bộ phận chuyển động của xe nâng
Những bộ phận chuyển động như trục bánh xe, xích nâng,… phải chuyển động thường xuyên sẽ khiến mỡ khô, các chi tiết có thể bị tăng ma sát, vận chuyển khó khăn. Do đó mà chúng ta cần tra mỡ bôi trơn định kỳ.
Bạn có thể sử dụng những chiếc máy bơm mỡ chuyên dụng để tra mỡ bôi trơn cho phần xích nâng, bạc đạn ở bánh xe, nhông xích,… trong mỗi lần bảo dưỡng xe nâng dầu để đảm bảo xe nâng hoạt động trơn tru, không bị kẹt do bị thiếu mỡ bôi trơn.
Thay dầu xe nâng điện
Dầu nhớt giúp đảm bảo xe vận hành ổn định, trơn tru. Sau khoảng 250 – 300 giờ vận hành liên tục thì chúng ta nên tiến hành thay dầu mới. Loại dầu phù hợp cho xe nâng ở nước ta là loại có chỉ số SAE 40. Mỗi lần thay tùy từng loại xe mà số lượng dầu khác nhau nhưng thường là khoảng 8 lít.
Bên cạnh việc thay dầu thì chúng ta cũng cần kiểm tra cả phần lọc nhớt, lọc dầu. Tiến hành thay mới định kỳ để đảm bảo hiệu quả vận hành.
Kiểm tra hệ thống thủy lực
Nhớt thủy lực trong xe nâng dầu giúp phần ty ben lên xuống trơn tru, dễ dàng, hỗ trợ quá trình nâng lên hạ xuống, không gây xước ty ben.
Sau khi sử dụng xe nâng điện liên tục khoảng 2000 giờ thì cần kiểm tra nhớt thủy lực. Nếu thấy nhớt đã chuyển sang màu đen thì phải thay mới ngay. Loại nhớt thủy lực sử dụng cho xe nâng là nhớt SAE 10, mỗi lần thay cần phải cấp đủ số lượng khoảng 50 lít/lần.
Kiểm tra các board mạch điện tử, đầu nối của dây điện, các socket
Trong quá trình bảo dưỡng xe nâng điện, chúng ta không thể bỏ qua những board mạch điện tử, đầu nối của dây điện, các socket. Những bộ phận này có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều khiển hoạt động của xe nâng, vì vậy bạn cần rất chú ý. Trường hợp có dấu hiệu hư hỏng thì cần thay thế hoặc có các biện pháp cách điện để đảm bảo an toàn.
Kiểm tra phanh, đèn, còi
Để đảm bảo an toàn cho quá trình di chuyển của xe nâng, những model này được trang bị phanh, đèn, còi,… Trong đó, hệ thống phanh cần được kiểm tra một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là dầu phanh.
Nếu thấy dầu phanh có dấu hiệu đổi màu thì phải thay mới để đảm bảo an toàn cho xe khi vận hành. Dầu phanh được sử dụng phổ biến cho xe nâng điện là dầu Dot 3 hoặc Dot 4 tùy thuộc vào từng loại xe nâng.
Lịch trình bảo dưỡng xe nâng điện theo mốc thời gian cụ thể
Việc bảo dưỡng xe nâng điện cần có lịch trình với các mốc thời gian, công việc cụ thể để đảm bảo hiệu quả, chất lượng xe nâng. Những đơn vị bảo dưỡng chuyên nghiệp thường tiến hành như sau:
Trong 200 giờ vận hành đầu tiên (xe mới)
Khi mới mua về, sau khi sử dụng được khoảng 200 giờ liên tục đầu tiên thì chúng ta cần tiến hành bảo dưỡng theo một số công đoạn sau:
- Thay mới dầu thủy lực và lọc dầu thủy lực. Vệ sinh, làm sạch màng lọc thô và bên trong thùng nhiên liệu.
- Thay dầu động cơ và lọc dầu động cơ xe nâng điện.
- Kiểm tra khe hở xupap xả xe nâng điện và điều chỉnh nếu thấy có vấn đề hư hỏng.
- Kiểm tra bulong mặt máy, nếu thấy bị lỏng thì hãy siết lại.
- Thay mới lọc hút nhiên liệu của đường ống xe nâng.
- Thay dầu hộp số thủy lực.
- Thay mới dầu bộ chia momen xoắn của động cơ.
- Siết chặt lại các đai ốc, bulong, của tất cả các bộ phận của xe.
Bảo dưỡng xe nâng điện định kỳ 2 tuần/lần
Mỗi 2 tuần bạn nên tiến hành kiểm tra xe nâng để đảm bảo khả năng vận hành. Mỗi 2 tuần tương đương khoảng 100 giờ vận hành liên tục. Trong đợt bảo dưỡng này, bạn chỉ cần tra nhớt vào dây xích và con lăn để giúp xe nâng chuyển động mượt mà là được.
Bảo dưỡng xe nâng điện định kỳ 1 tháng/lần
Bảo dưỡng xe nâng điện 1 tháng/lần tương ứng với khoảng 200 giờ vận hành liên tục. Trong kỳ bảo dưỡng này, chúng ta cần tiến hành những công việc như:
- Kiểm tra chi tiết về độ biến dạng, bào mòn của vành xe nâng trong quá trình sử dụng. Tiến hành thay thế nếu xảy ra hỏng hóc.
- Kiểm tra hiệu suất vận hành của bánh xe nâng xem có còn đạt đủ yêu cầu hay không.
- Kiểm tra xilanh thủy lực có bị hỏng hóc, biến dạng hay không. Nếu ốc bị long ra thì cần siết chặt lại. Kiểm tra hoạt động của xilanh thủy lực xem có đạt hiệu suất tối đa hay không.
- Kiểm tra sự chênh lệch của xilanh nâng so với thông số kỹ thuật cho phép. Kiểm tra độ sai lệch của xilanh nghiêng.
- Kiểm tra xem ống dầu có bị rò rỉ hay không.
- Kiểm tra càng nâng về mức độ biến dạng sau thời gian vận hành. Kiểm tra sự sai lệch của càng xe nâng so với mức tiêu chuẩn cho phép.
- Kiểm tra kỹ các trục lăn trên khung nâng
- Kiểm sự biến dạng, độ ăn mòn của xích và bánh xích.
- Kiểm tra các con lăn trên bộ càng nâng xem có còn nguyên vẹn hay đã bị bào mòn, hư hỏng.
- Kiểm tra hệ thống trợ lực lái xem có còn hoạt động ổn định, có đảm bảo khả năng vận hành không.
- Kiểm tra dầu xem có bị rò ở hệ thống dẫn dầu cung cấp cho phanh hay không.
- Kiểm tra xem mức độ khe hở giữa trống phanh và phần guốc phanh có đảm bảo cho xe nâng điện hoạt động an toàn không.
- Kiểm tra dầu hộp số, nếu thiếu hay bị đổi màu thì cần thay mới hoặc bổ sung nếu cần thiết. Quan sát xem có bị rò rỉ dầu hộp số không.
- Khởi động máy xe nâng để nghe tiếng máy nổ xác định tình trạng thiết bị. Cho xe chạy không tải để kiểm tra tốc độ vận hành.
- Vệ sinh bộ tản nhiệt két nước, lọc gió giúp máy được làm mát tốt trong quá trình hoạt động. Lưu ý xem nắp két nước có kín không, điều chỉnh cho phù hợp.
- Đánh giá độ vỡ hỏng, biến dạng của quạt tản nhiệt. Kiểm tra luôn giá đỡ quạt. Đảm bảo giá đỡ được bắt một cách chắc chắn vào khung để không làm rơi quạt.
- Thay dầu máy cho động cơ để xe nâng có thể hoạt động với hiệu năng cao nhất.
- Kiểm tra tỷ trọng dung dịch của ắc quy. Kiểm tra các giắc nối các dây điện xem có bị lỏng hay bong ra không và tiến hành nối lại.
Bảo dưỡng xe nâng điện mỗi 3 tháng/lần
Mỗi 3 tháng tương đương với khoảng 600 giờ vận hành liên tục. Trong đợt bảo dưỡng này, các công việc cần thực hiện là:
- Tiến hành thay lọc dầu động cơ định kỳ.
- Thay mới dầu hộp số động cơ. Nhớ xả bỏ hết dầu cũ trước khi thay mới.
- Kiểm tra mức dầu của hộp visai, nếu không đáp ứng yêu cầu thì cần bổ sung kịp thời.
Bảo dưỡng xe nâng điện mỗi 6 tháng/lần
Mỗi 6 tháng tương đương với khoảng 1200 giờ vận hành liên tục. Trong đợt bảo dưỡng này, các công việc cần thực hiện là:
- Kiểm tra cơ cấu lái xem có bị cong, mòn, hư hỏng.
- Kiểm tra mức độ hư hỏng của trụ đứng, tiến hành điều chỉnh hoặc thay thế.
- Thay dầu visai (truyền động cuối), dầu hộp số thủy lực, dầu phanh. Thay mới lọc thô, lọc đường ống dẫn nhiên liệu, lọc gió
- Điều chỉnh khe hở xupap. Tiến hành đo áp suất nén động cơ. Kiểm tra khí lọt cacte.
- Vệ sinh lọc ống thở của bộ trợ lực phanh.
- Kiểm tra nắp bộ chia điện (hộp cầu chì có chắc chắn hay bị biến dạng, hư hỏng không.
- Vệ sinh bên trong của hệ thống làm mát.
- Thay thế dây curoa nếu như thấy xảy ra hiện tượng mòn, đứt, trùng.
Bảo dưỡng xe nâng điện định kỳ hàng năm
Mỗi năm tương đương với khoảng 2400 giờ vận hành liên tục. Trong đợt bảo dưỡng này, các công việc cần thực hiện là:
- Kiểm tra tổng thể về hệ thống phanh từ xilanh phanh, tròng phanh, guốc phanh, lò xo phanh, má phanh,… về độ mài mòn, sự rò rỉ dầu, hỏng hóc. Đảm bảo phanh phải đủ độ ma sát để vận hành an toàn.
- Loại bỏ không khí, hơi nước trong đường ống dẫn dầu phanh.
- Kiểm tra gối đỡ visai, sự đứt gãy của vấu bán nĩa nâng.
- Kiểm tra trục con lăn tại các vị trí có tải về mức độ bào mòn, rạn nứt. Cần thay thế nếu có hư hỏng.
- Kiểm tra tình trạng của giá đỡ của khung nâng.
- Kiểm tra tất cả các ốc vít, bulong xem lực siết bulong mặt máy có đảm bảo không. Siết chặt nếu lỏng lẻo.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về bảo dưỡng xe nâng điện. Lưu ý, việc bảo dưỡng thiết bị này rất phức tạp, bạn không nên tự tiến hành bảo dưỡng mà cần có đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn với đầy đủ các thiết bị như máy bơm mỡ, máy hút dầu,… để đảm bảo an toàn cho thiết bị cũng như bản thân người bảo dưỡng.