Nồi nào úp vung nấy là gì? Dân gian Việt Nam có rất nhiều câu nói hay và chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một trong số đó là câu thành ngữ nổi tiếng “nồi nào úp vung nấy”; hiểu nôm na là nồi tròn có vung tròn, nồi méo có vung méo. Vậy thông điệp ẩn sau câu thành ngữ ấy là gì? Cùng tìm hiểu nhé!
Nồi nào úp vung nấy là gì?
Nồi là dụng cụ nhà bếp và được dùng để kho, luộc, nấu các món ăn. Mỗi cái nồi sẽ đi kèm với một cái vung phù hợp với kích thước và hình dạng. Khi nấu ăn, sẽ úp cái vung lên bên trên nồi để giữ cho thức ăn không bị bay hơi, tránh bụi bẩn hay côn trùng rơi vào. Thông thường nhà sản xuất sẽ làm từng bộ nồi theo kích thước riêng biệt, nồi nào phải dùng vung nấy mới khít được.
Nồi to thì úp vung to, nồi nhỏ thì úp vung nhỏ, còn nồi méo thì úp vung méo… Đôi khi nồi nhỏ đậy vung to cũng có thể miễn cưỡng chấp nhận. Thế nhưng nồi to thì không thể dùng vung nhỏ để đậy được. Do đó, người ta thường lựa chọn chiếc vung phù hợp với cái nồi để úp vào. Nồi nào úp vung nấy vẫn là đúng đắn, hợp lý, dễ sử dụng nhất.
Nguồn gốc câu thành ngữ nồi nào úp vung nấy
Truyện kể rằng, có một cái nồi vì được nung già nên khi gõ tay vào thì kêu coong coong. Nồi được khen là đủ lửa, màu da lươn là nồi tốt. Nghe thấy vậy, nồi ta thích chí lắm, tự cao tự đại tự lăn lông lốc xuống sân tỏ vẻ ta đây là bền chắc lắm. Thế nhưng nồi không biết rằng, trước khi đem nung khi xếp chúng với các nồi khác nó bị chen lấn dữ lắm, thành thử không còn tròn trịa nữa.
Khi ra lò, miệng của nồi bị móp méo người ta mới lấy một cái vung tròn để đậy miệng nó lại nhưng không kín được. Cái nồi tỏ ý chê bai cái vung rằng: “Mày làm sao so sánh được với tao, tao to hơn đựng được bao nhiêu thứ. Mày úp tao thế nào mà mở hoác cả ra thế này. Vì cũng được người khen là tròn trịa, cái vung mới cãi lại rằng: “Anh chẳng biết điều chút nào, người khen tôi tròn trịa xinh xắn thế này, úp vào nồi anh hở ra là tại cái miệng anh đấy đâu phải tại tôi.”
Cái vung, cái nồi cứ cãi nhau mãi khiến người không chịu được liền tìm một cái vung khác thích hợp. Người nói: “Cái vung này hơi méo nhưng úp vào cái miệng nồi méo này thì vừa khít. Nồi méo phải úp vung méo.” Nghe thấy vậy, nồi mới hỏi vung rằng: “Anh trông cái miệng tôi thế nào?” Vung bảo: “Thì vung tôi méo úp vào miệng nồi méo của anh mới khít chứ. Nồi nào úp vung nấy mà.”
Hàm ý sâu xa của câu nói nồi nào úp vung nấy
Từ xưa đến nay, khi bàn về một câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ, chúng ta ít khi chỉ xét đến nghĩa đen bên ngoài. Bởi đằng sau đó còn ẩn chứa rất nhiều lớp nghĩa khác mà ông cha ta muốn nhắn gửi đến con cháu đời sau. Đó có thể là những lời khuyên răn, nhắc nhở hay ngầm phê phán một điều gì đó. Vậy ý nghĩa câu thành ngữ tiếng Việt nồi nào úp vung nấy là gì?
Trong cuộc sống, mỗi chiếc nồi đều sẽ có một chiếc vung phù hợp. Cũng giống như con người khi sống ở trên đời sẽ gặp được bạn đời hoặc chơi chung với những người có tính cách tương tự. Những người có tính cách, phong cách sống hay quan niệm sống giống nhau sẽ có xu hướng “hút” nhau. Ví dụ nếu bạn yêu sách, thích đọc sách sẽ gặp được những người có sở thích giống như vậy.
Nồi nào úp vung nấy là gì trong tình yêu
Mỗi người khi sinh ra đều có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai. Nhưng đều có một điểm chung là cả nam và nữ đến tuổi trưởng thành đều muốn tìm “một nửa” phù hợp với mình. Vì thế bố mẹ và gia đình cũng định hướng cho con tìm được người bạn đời sao cho tương xứng (môn đăng hộ đối). Tránh sự chênh lệch quá đỗi về xuất thân, điều kiện kinh tế, độ tuổi, sắc đẹp…
Theo các chuyên gia tâm lý, khi gặp được người có cùng tính cách sẽ dễ hòa hợp hơn. Khi hai người yêu nhau thấy hợp nhau cả về ngoại hình, tính cách, sở thích hay quan điểm. Họ cảm thấy mình là “nồi” và “vung” của nhau và không ai có thể thay thế được. Họ cũng tin rằng số phận, duyên phận đã sắp đặt cho mối tình đó; không ai hay bất cứ điều gì có thể làm ảnh hưởng hay phá vỡ được.
Trong tình yêu, nồi nào úp vung nấy chỉ là tương tương đối. Cá tính giống nhau không quan trọng bằng thái độ, tư tưởng giống nhau. Bởi hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận với người yêu, vợ/chồng về thứ quan trọng với bản thân họ. Trong tình yêu, sự thấu hiểu, cảm thông, nhường nhịn, yêu thương nhau mới là điều cần thiết để xây dựng mối quan hệ hạnh phúc và bền vững.
Nồi nào vung nấy trong đời sống xã hội
Dân gian xưa có câu: “Nồi tròn, úp vung tròn. Nồi méo, úp vung méo”. Trên thực tế, người xưa đã mượn hình ảnh cái nồi, cái vung để răn dạy con người về giáo dục nhân cách và ứng xử ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống.
Sự hình thành nhân cách
Gia đình là tế bào của xã hội, cũng là yếu tố quan trọng trong ba yếu tố (gia đình, nhà trường và xã hội) về sự hình thành nhân cách của một con người. Một người được sinh ra dù trong gia đình như thế nào đi chăng nữa, nếu được dưỡng dục tốt… sẽ trở thành người tốt, hiếu thảo “nồi tròn, úp vung tròn”. Ngược lại, người sinh ra một gia đình có cha mẹ bất hòa, làm điều sai trái, bất nhân… con cháu dễ bị nhiễm thói hư tật xấu. Cũng như “nồi méo, úp vung méo” vậy.
Ứng xử trong đời sống
Người nào tốt, đối đãi tử tế với mình thì mình cũng cần có thái độ tốt và đối xử tử tế với họ. Người ác, hiểm độc thì mình cũng nên biết, cảnh giác mà ứng phó cho phù hợp. Bản thân mỗi người chúng ta không nên làm điều ác, lấy oán trả ân. Cần phải lấy cái tốt để cảm hoá cái xấu, cái ác, làm cho “nồi méo” thành “nồi tròn”, “vung méo” thành “vung tròn”.
Thực tế vẫn có thể dùng nồi tròn vung méo, nếu biết xoay quanh vẫn vừa. Khi nấu cơm, nấu canh bằng chiếc nồi tròn, nhưng vung méo thì có thể lót lá chuối, lá khoai… để khắc phục. Trong xã hội không ít người khuyết tật lấy được vợ/ chồng là người lành lặn, tài ba… gia đình vẫn rất hạnh phúc là vì họ biết cách “xoay quanh vẫn vừa”.
Cũng có người lầm đường, lạc lối… nhưng biết sửa sai, được gia đình và xã hội giúp đỡ. Chắc chắn họ sẽ tiến bộ hơn, trở thành người lương thiện. Đây cũng là cách “xoay quanh vẫn vừa”. Nhưng nhiều người có “nồi” và “vung” đều rất tròn nhưng không biết giữ. Cũng có người tham lam muốn thêm nhưng lại thành “nồi méo”, “vung méo” hay thậm chí còn vỡ luôn cả vung” lẫn “nồi.
Câu thành ngữ nồi nào úp vung nấy là gì khuyên răn chúng ta phải biết thế nào là đúng, là đủ, là phù hợp… Có như vậy mới giữ được cả “nồi” và “vung” lúc nào cũng tròn. Nhưng nếu vì lý do, điều kiện, hoàn cảnh nào đó mà “méo”, không được “tròn” thì cũng đừng mặc cảm. Hãy cứ bình tĩnh uốn nắn, sửa chữa… thì nồi và vung vẫn tốt “xoay quanh vẫn vừa”.
Giá trị của câu nói nồi nào úp vung nấy
Câu thành ngữ nồi nào úp vung nấy mang lại cho chúng ta những giá trị sau:
- Giúp chúng ta nhận ra sự thật về cuộc sống, không mơ mộng hay ảo tưởng về những điều không thể.
- Chúng ta biết chọn lựa và phân bổ hợp lý những thứ quan trọng trong cuộc sống, không lãng phí thời gian cho những điều vô ích.
- Biết tôn trọng và đánh giá đúng mức về mọi người xung quanh, không coi thường hay khinh miệt ai.
- Biết ơn, trân trọng những điều mình có, không tham lam hay đố kỵ với người khác.
- Cần phải biết thích nghi và hòa nhập với môi trường sống xung quanh, không nên cố chấp.
Trên đây là những thông tin giải đáp nồi nào úp vung nấy là gì? Có thể thấy rằng đây là câu thành ngữ hay và sâu sắc, phản ánh đúng tâm lý và triết lý của người Việt Nam. Đồng thời cũng mang lại cho chúng ta những bài học quý giá về cách sống và ứng xử.
>>>> Xem thêm bài viết: Đức Năng Thắng Số Là Gì? Những Câu Chuyện Nhân Quả Đức Năng Thắng Số