Tháng Chạp đến có nghĩa là một năm mới sắp đến, mọi người lại tất bận để tiễn năm cũ, đón năm mới. Vậy bạn có biết tháng Chạp là tháng mấy? Vì sao nó lại có tên gọi này không? Cùng chúng tôi tìm hiểu về tháng Chạp qua những chia sẻ ngay sau đây nhé.
Tháng Chạp là tháng mấy?
Tên gọi tháng Chạp rất quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết tháng Chạp là tháng mấy. Thực tế, tháng Chạp hay chính là tháng mười hai theo âm lịch đối với những năm không nhuận hoặc là tháng mười ba với các năm âm lịch nhuận. Nói chung thì tháng Chạp chính là để chỉ tháng cuối cùng của năm âm lịch.
Tháng âm lịch nào cũng có từ 29 đến 30 ngày, tùy theo thời điểm diễn ra của hai kỳ trăng non kế tiếp nhau tính theo giờ địa phương. Ở Việt Nam đó là GMT+7. Nên tháng Chạp là tháng sẽ luôn luôn diễn ra sau ngày Đông chí (21-22 tháng 12 dương lịch).
Tại sao tháng 12 được gọi là tháng Chạp?
Sau khi đã biết tháng Chạp là tháng mấy thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao nó lại có tên là tháng Chạp.
Chữ Chạp là một biến âm trong từ lạp ở tiếng Trung. Theo PGS. TS Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá Dân gian, theo lịch cổ của người Việt ta chỉ có 10 tháng. Tuy nhiên, ở Trung Quốc thì Lạp là lễ tế thần vào dịp cuối năm (tháng 12 âm lịch) cho nên còn gọi là Lạp nguyệt. Do vị trí địa lý nên Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc, tháng 12 cũng là tháng có nhiều lễ lạt cúng bái cho nên tên gọi tháng Chạp xuất phát từ đây.
Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho biết, vào tháng Chạp – thời điểm cận Tết Nguyên đán, cả người Trung Hoa và người Việt đều thường đi thăm mộ tổ tiên, quét dọn mồ mả, mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Nhiều dòng họ sẽ đưa cả con cháu đi lễ mộ cùng để chỉ dẫn về phần mộ cũng như nói về vai vế, công lao của người trong mộ với dòng họ để con cháu biết ơn, cung kính, thể hiện đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn.
Tại sao tháng Chạp là tháng củ mật?
Tháng 12 âm lịch ngoài được gọi là tháng Chạp còn được gọi với tên tháng củ mật. Vậy tháng củ mật là gì? Trên thực tế, củ mật ở đây không phải là chỉ loại củ nào cả. Đây là từ Hán Việt, trong đó từ củ có nghĩa xem xét, kiểm soát, giống như người xưa hay gọi là củ soát. Còn mật nghĩa là kín, khít, cẩn mật, không để lộ, để thất thoát.
Củ mật được hiểu đơn giản nghĩa là kiểm soát cẩn thận.Vậy vì sao tháng Chạp được gọi là tháng củ mật? Thật ra, cách gọi này là một lời nhắc nhở lẫn nhau của người xưa về tháng cuối cùng của năm, cần thận trọng, tránh tối đa các sai sót.
Ngày xưa, tháng cuối năm rất dễ mất trộm, bởi mọi người thường bận rộn, nên dễ lơ là. Tháng cuối năm cũng là thời điểm thu hoạch, ai buôn bán cũng sẽ thu tiền về, ai có tiền cho vay cũng sẽ đòi về, rồi mua bán sắm sửa đón Tết. Trong khi đó, phường trộm cướp cũng tăng cường hoạt động để kiếm tiền tiêu tết. Do đó, ai không giữ gìn cẩn mật thì sẽ dễ trở thành nạn nhân của chúng.
Một yếu tố cần “củ mật” trong tháng cuối năm nữa chính là cẩn thận về củi lửa. Tháng cuối năm thường tiệc tùng cỗ bàn nhiều, rồi say sưa lơ là nên dễ sơ sểnh gây ra hỏa hoạn. Thời tiết thì hanh khô cũng góp phần làm các đám cháy dễ bùng lên, nhà cửa của cải ra tro và thế là mất tết.
Đến đây hẳn bạn đã biết tháng Chạp là tháng mấy rồi đúng không nào. Hiện nay, tháng Chạp càng có nhiều điều cần phải “củ mật”. Đây là thời điểm mà mọi người bận rộn điên cuồng, cực kỳ mỏi mệt nhưng vẫn tham gia vào nhiều bữa tiệc tất niên. Hệ quả của sự quá sức, kém tỉnh táo có thể là tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, rượu bia, đột quỵ, chảy máu dạ dày,… Tết sắp đến rồi, hãy “củ mật” để có một cái tết an vui, hạnh phúc nhé.
>>> xem thêm bài viết: Hướng dẫn 2 cách gói giò xào đậm đà, chuẩn vị ngày Tết