Tết Thường tân là ngày tết vào ngày 10/10 âm lịch hàng năm. Có thể bạn đã nghe đến ngày tết này, đã từng tham gia và chuẩn bị ngày tết này nhưng chưa chắc đã hiểu rõ về nó. Hãy cùng chúng tôi tham khảo chi tiết về Tết Thường tân là gì qua những chia sẻ ngay sau đây nhé!
Tết Thường tân là gì?
Tết Thường Tân là gì?
Theo Wikipedia, Tết Thường tân hay còn được gọi là Tết Song Thập, Tết Trùng Thập hay Tết của thầy thuốc. Ngày tết này được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hằng năm. Ở những vùng trồng lúa thì ngày 10 tháng 10 âm lịch thường sẽ rơi trúng mùa gặt nên còn được gọi là Tết cơm mới.
Nguồn gốc Tết Thường tân là gì?
Theo sách Dược lễ, vào ngày mùng 10/10 âm lịch rất thích hợp và thuận lợi cho những cây thuốc quý sinh trưởng. Đây là thời điểm những cây thuốc tụ được khí âm dương đất trời; kết được tinh hoa của tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông tốt nhất. Do đó, đối với các thầy lang thì ngày tết Thường tân vô cùng quan trọng.
Tại nhiều vùng nông thôn ở nước ta, nhằm ngày Tết Thường tân người dân thường sẽ nấu chè kho và làm bánh để cúng gia tiên sau đó đem biếu cho những người thân thuộc.
Có những nơi lại tổ chức Tết Thường tân với ý nghĩa là tết cơm mới nhằm tưởng nhớ đến công lao của Tiên Nông và ăn mừng công việc gặt hái vụ mùa đã xong. Còn có nơi lại coi đây là ngày của ông Đồng – bà Cốt. Theo truyền thuyết dân gian thì ông Đồng và bà Cốt là những người có được khả năng siêu nhiên, có thể cho thần linh, ma quỷ và hồn người đã khuất mượn thân thể để nói chuyện với người sống. Do đó, mùng 10/10 âm lịch thực chất chính là ngày lễ lớn của họ và thường tổ chức những buổi tiệc linh đình.
Theo nhà báo Phan Kế Bính: “Phần nhiều là nhà thầy thuốc, các nhà đồng cốt mới ăn thôi. Nhưng khi về các vùng quê thì cũng nhiều nơi ăn, có nơi ăn lễ to lắm như ở vùng phủ Hoài”. Điều này có thể cho thấy, Tết Thường tân cũng có ý nghĩa rất lớn và nắm giữ vị trí không thể quên ở trong truyền thống văn hóa dân tộc.
Ý nghĩa Tết Thường tân là gì?
Mỗi một ngày lễ tết đều có những ý nghĩa riêng có của nó và Tết Thường tân cũng vậy. Ngày Tết này có một số ý nghĩa như sau:
- Nhớ ơn người thầy thuốc: Đây là một dịp đặc biệt khi mà tinh hoa của đất trời được tụ hội vào trong cỏ cây và đặc biệt là những cây thuốc. Do đó, ngày Tết Thường tân được chọn để nhớ ơn tới công lao của những người thầy thuốc đã giúp đỡ người bệnh.
- Ăn mừng mùa gặt: Đối với những người dân sinh sống tại vùng núi Tây Nguyên hoặc Việt Bắc, vào ngày này người dân thường tổ chức lễ hội mừng lúa mới nhằm hậu ta đến các vị thần trời đất, sông suối và “Giàng”.
- Tưởng nhớ Tiên Nông: Sau khi thu hoạch vụ mùa, người dân sẽ lấy lúa mới để chế biến các món ăn để cúng gia tiên, thần linh, thổ địa và nhất là Tiên Nông. Điều này nhằm thể hiện sự biết ơn với họ vì đã mang đến vụ mùa bội thu. Người dân cảm ơn Tiên Nông vì đã cho họ một vụ mùa suôn sẻ, ngô lúa đầy kho.
Những phong tục trong Tết Thường tân
Cũng như những ngày lễ khác trong năm, vào ngày Tết Thường tân hàng năm người dân ở một số vùng trên cả nước sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động. Cụ thể như sau:
- Một số gia đình thường nấu các loại bánh được làm từ gạo mới được thu hoạch trong vụ mùa vừa qua như bánh dẻo, bánh giầy, bánh bột lọc,… Ngoài ra còn có các loại đồ ăn tương tự như ngày lễ diệt sâu bọ mùng 5 tháng 5 âm lịch như xôi chè, bánh tro (bánh gio),… Đến giờ linh thì sẽ tiến hành cúng thần linh, gia tiên và thổ địa.
- Nhiều gia đình sẽ ra chùa cúng các vị thần linh, tiến hành làm lễ để cảm tạ vì đã cho họ được một vụ mùa bội thu. Sau khi thực hiện xong những nghi lễ thì mỗi nhà sẽ mang bánh đi biếu mói người thân quen, bạn bè, hàng xóm,…
- Đối với người dân ở Tây Nguyên hay Việt Bắc, ngày Tết Thường tân có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây chính là lễ hội mừng lúa mới được tổ chức hàng năm để tôn vinh hạt thóc mà “Giàng” đã ban cho dân làng. Tại đây người ta tôn thờ “Giàng” giống như một vị thần linh của núi rừng. Vào ngày này thì người ta sẽ cúng trời đất, cúng các vị thần rừng, thần núi, thần suối, thần sông và không thể thiếu đó là “Giàng” nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa. Mỗi gia đình sẽ lấy số lượng mà khách tới tham gia tiệc để so sánh, ai có đông khách tới thì cảm thấy rất vinh hạnh và “nở mặt” với xóm giềng. Sau khi kết thúc lễ cúng, các gia đình sẽ tập trung lại rồi cùng nhau ca hát, nhảy múa, đánh trống, đánh chiêng,…
- Đối với những dân tộc sinh sống trên dãy núi Trường Sơn, Tết Thường tân là lễ hội ra đời sớm nhất trong các lễ hội của những người đồng bào nơi đây. Cuộc sống của họ gắn liền với ruộng lúa, ngô, khoai, sắn,… Vì thế nên lễ mừng lúa mới chính là một lễ hội thiêng liêng, mang ý nghĩa về mặt tâm linh rất lớn đối với những dân tộc sinh sống tại dãy núi Trường Sơn.
Những món ăn đặc trưng trong ngày Tết Thường tân
Những món ăn ở trong ngày Tết Thường tân đa phần đều làm từ lúa gạo mới thu từ vụ mùa mới. Một số món ăn phổ biến trong ngày lễ này có thể kể đến như:
Bánh giầy
Bánh giầy được xem là một món ăn rất phổ biến vào dịp Tết Thường tân. Gạo làm bánh giầy phải là lúa nếp mới cắt từ vụ mùa. Người dân các vùng Việt Bắc thường sẽ tự đồ xôi rồi giã bánh bằng tay. Bánh có màu trắng, được nặn hình tròn, ăn vào thì rất dẻo và thơm. Thường có loại nhân ngọt là vừng rang, lạc rang giã nhuyễn cùng đường. Nhân mặn thường là đỗ xanh đồ chín, xào với mỡ lợn cùng hành lá hoặc lá hẹ để dậy mùi; một số nơi dùng nhân đỗ đường.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc – Món ăn được yêu thích ngày Tết Thường tân
Xôi luôn luôn là món ăn được yêu thích và dùng để bày biện mỗi khi gia đình có dịp cúng lễ, đặc biệt là món xôi ngũ sắc nhờ màu đẹp. Nếp để nấu xôi dịp Tết Thường tân phải là nếp mới để xôi dẻo thơm. Màu sắc của xôi đều là những màu tự nhiên như nghệ, gấc, cây lá cẩm, lá dứa,…
Cơm lam ống tre
Cơm lam là món làm từ gạo nếp mới, nó thường phổ biến ở những vùng núi như Việt Bắc, Tây Nguyên. Gạo nếp sẽ được đãi sạch, cho vào những ống tre không quá già và nướng trên bếp củi. Khi cơm chín, chúng ta sẽ bóc lớp vỏ tre bên ngoài và sẽ được những ống cơm có phủ một lớp màng tre mềm mịn. Cơm lam có độ dẻo và bùi của nếp, đượm hương của ống tre. Khi ăn thường chấm với muối vừng rất ngon miệng.
Bánh bột lọc
Bánh bột lọc nhân tôm thịt
Một món ăn cũng rất ngon được nhiều người lựa chọn để cúng vào ngày Tết Thường tân chính là bánh bột lọc nhân tôm thịt. Loại bánh này có vị ngọt từ tôm, đậm đà từ thịt, ăn cùng nước mắm pha với đường và ớt thì “hết nước chấm”.
Bánh đúc lạc
Bánh đúc lạc hấp dẫn
Loại bánh đúc lạc cũng được nhiều người chọn cho mâm cúng Tết Thường tân. Món này khá dễ làm, có nguyên liệu từ bột gạo lọc và đậu phộng. Khi ăn sẽ có vị thơm bùi của lạc và ngọt mát của bột gạo.
Rượu táo mèo
Rượu táo mèo là loại rượu quen thuộc với những người dân sinh sống ở vùng Tây Bắc. Những quả táo mèo được chọn lọc kỹ càng rồi ngâm cùng với rượu thơm. Trải qua một khoảng thời gian sẽ cho vị siêu đậm đà. Vì là một loại rượu ngon cho nên khi có dịp quan trọng, đặc biệt mới dùng để đãi tiệc hoặc mời khách.
Chè kho
Chè kho từ đậu xanh
Một số gia đình sẽ lựa chọn món chè kho để dâng lên mâm cúng trong ngày Tết Thường tân. Đây là một trong những món ăn được làm từ đậu xanh rất thơm ngon và dễ thực hiện.
Trên đây là một số thông tin tổng hợp về Tết Thường tân là gì. Đây thực sự là một ngày tết quan trọng trong truyền thống của người Việt. Sắp đến Tết Thường Tân rồi, hãy chuẩn bị cho mình những mâm cỗ cúng đủ đầy, đẹp mắt nhất nhé.
>>> Xem thêm bài viết: Sinh Con Năm 2024 Tháng Nào Tốt? Những Mùa Sinh Con Năm Giáp Thìn Để Bé Có IQ, Cân Nặng Và Chiều Cao Vượt Trội